200 năm - Mầm xanh bên dòng Vĩnh Tế
Kênh Vĩnh Tế được đào 200 năm trước (1819-2024). Kênh có chiều dài hơn 90 km, rộng 30 m, sâu 2,55 m. Ðiểm bắt đầu từ TP Châu Ðốc (An Giang), điểm cuối là TP Hà Tiên (Kiên Giang). Kênh có nhiệm vụ kiểm soát lũ cho toàn vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong thoát lũ ra biển Tây; cấp nước tưới cho khoảng 144.000 ha trên tổng số gần 400.000 ha đất nông nghiệp ở vùng này.
Đây là công trình thủy lợi, giao thông gắn liền với lịch sử và đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), là kênh đào dài nhất từ trước đến nay. Hơn 200 năm, kênh Vĩnh Tế phát huy nhiều lợi ích; nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, có vai trò quan trọng trong khai hoang phục hóa vựa lúa miền Tây.
Khơi thông tiềm năng
Theo một số nhà nghiên cứu, công trình kênh Vĩnh Tế có vai trò quan trọng trong công cuộc khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên. Năm 1988, kênh Vĩnh Tế đã trở thành kênh mẹ kết hợp với kênh T4, T5, T6 và một số kênh khác... tạo thành một mạng lưới thủy lợi dày đặc đưa nước ngọt từ Sông Hậu vào sâu trong vùng Tứ giác Long Xuyên; cung cấp nước tưới tiêu ổn định, rửa phèn, dẫn phù sa, tăng cường độ phì nhiêu cho đất, cải thiện điều kiện canh tác, làm cây lúa sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Kênh cung cấp nước tưới cho 144.000 ha trên tổng số gần 400.000 ha đất nông nghiệp. Từ đó, đã giúp người nông dân làm lúa 3 vụ/năm... Ðưa Tứ giác Long Xuyên từ một vùng hoang hóa, nhiễm phèn nặng, trở thành vùng trù phú, trọng điểm sản xuất lương thực của ÐBSCL và cả nước; với diện tích gieo trồng lúa từ 350.000-400.000 ha/năm, tổng sản lượng đạt khoảng 5-6 triệu tấn, chiếm 25% sản lượng lúa, gạo của cả ÐBSCL.
“Kênh Vĩnh Tế là một kênh lịch sử, có giá trị xoay chuyển toàn bộ vùng đất Tứ giác Long Xuyên, khi phát huy dẫn nước từ sông Cửu Long về tưới, cải tạo cả một vùng đồng bằng rộng lớn; nó tạo một phương thức khác hẳn trong việc khai thác tự nhiên. Nhờ có con kênh này mà sự chủ động của con người có những phương thức sản xuất mới là canh tác, sản xuất lớn và càng ngày càng lớn; lương thực có thể nuôi cả đất nước và xuất khẩu ra thế giới”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh.
Suốt chiều dài lịch sử, kênh Vĩnh Tế “chuyển mình”, chở nặng phù sa tắm mát ruộng đồng. Ðây không chỉ là dòng nước chảy qua đất đai mà còn là dòng chảy của lòng người, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn và đời sống của những nông dân miền Tây chất phác. “Ðến khoảng năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo đào kênh T5. Sau khi kênh T5 hình thành đã mang nước ngọt từ kênh Vĩnh Tế vào khu vực Lạc Qưới (Tri Tôn, An Giang) để rửa phèn; từ đó, vùng đất này được khai hoang, trở thành vùng đất màu mỡ, sản xuất lúa 3 vụ trong năm; năng suất 7 tấn/ha/vụ”, ông Huỳnh Lộc Dũng, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chia sẻ.
Ông Ngô Hồng Nhất, xã An Nông (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cũng là nông dân sinh ra và lớn lên bên dòng kênh Vĩnh Tế, cho biết: “Bao nhiêu thế hệ người nông dân làm ruộng ở đây cũng phải nhờ kênh Vĩnh Tế. Không chỉ đưa nước vào đồng ruộng, con kênh này còn là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản tự nhiên dồi dào; đồng thời còn tạo điều kiện để người dân giao thương hàng hóa... Cuộc sống người dân chúng tôi ngày càng ổn định”.
Phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao
Thời gian qua, để khai thác hiệu quả kênh Vĩnh Tế, tỉnh An Giang và Kiên Giang đã nhiều lần cải tạo, nâng cấp. Bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và địa phương, đã xây dựng, phát triển nhiều công trình thủy lợi kết nối với kênh Vĩnh Tế để đảm bảo thông thương hàng hóa và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, về phát triển bền vững ÐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh An Giang đã xây dựng hồ trữ nước ngọt Tha La và Trà Sư bên dòng kênh Vĩnh Tế, gắn với thủy lợi, phục vụ liên kết sản xuất cho khoảng 30.000 ha đất nông nghiệp trong vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ; ứng phó với hạn hán, mặn xâm nhập, giúp tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong tương lai, kênh sẽ tiếp tục giữ vai trò trong việc định hướng phát triển nông nghiệp, nhất là trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Kênh còn tạo cơ hội phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững, như canh tác kết hợp lúa - tôm, lúa - cá, góp phần đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trước những biến đổi của thời tiết, khí hậu, mực nước biển dâng, phát triển thượng nguồn sông Mê Kông và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, kênh Vĩnh Tế đã và đang đối mặt với nhiều thách thức như: cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn, sạt lở, bồi lắng, sụt lún... Ðiều này gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, chuyên gia cao cấp Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia: “Quy hoạch hệ thống thủy lợi gắn với phát triển nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên là yêu cầu quan trọng để phát triển nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững. Chúng ta phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp, lấy số lượng là chính, sang làm kinh tế nông nghiệp thuận thiên và có hiệu quả kinh tế. Tận dụng các công trình thủy lợi để khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên trên quan điểm chống lũ nhưng phải kiểm soát lũ. Mặt khác, việc chống mặn nhưng phải xem nước lợ, nước mặn là tài nguyên, chứ không phải chống mặn là triệt tiêu mặn, phải chung sống hài hòa với biển, không đương đầu với biển”.
“Ðể khai thác hiệu quả tiềm năng từ kênh Vĩnh Tế, cần có những giải pháp đồng bộ và bền vững. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, phát triển nông nghiệp, công nghệ cao, du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả là những nhiệm vụ cấp bách”, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ.
200 năm kênh Vĩnh Tế đánh thức tiềm năng vùng Tứ giác Long Xuyên, và giờ dòng kênh huyền thoại này đang trở thành trọng điểm khi vùng Tứ giác Long Xuyên bắt tay thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL./.