200 năm kênh Vĩnh Tế: Chuyện đặt tên cho dòng kênh huyền thoại

Kênh Vĩnh Tế không chỉ là công trình phòng thủ trấn biên kỳ vĩ, mà còn mạch máu giao thông trọng yếu để chấn hưng vùng biên viễn Tây Nam. Từ Châu Đốc cho đến Hà Tiên, những câu chuyện về dòng kênh huyền thoại này vẫn luôn sống động và đầy cuốn hút. Dù lịch sử đã đi qua 2 thế kỷ, nhưng người hậu thế vẫn muốn tận tường chuyện tên gọi của dòng kênh.

Như đã biết, sau khi kênh Thoại Hà hoàn thành, Nguyễn Văn Thoại được vua Gia Long phó thác việc hiện thực hóa ý tưởng tạo ra tuyến thủy lộ nối kết Châu Đốc với Hà Tiên để củng cố và phát triển vùng biên giới Tây Nam. Công trình này được khởi công từ năm 1819 dưới triều Gia Long và hoàn thành vào năm 1824 dưới triều Minh Mạng. Dòng kênh lịch sử ấy được vua Nguyễn đặt tên là Vĩnh Tế.

Trong sách Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nguyễn Văn Hầu cho rằng, sau khi đào xong con kênh nối liền Châu Đốc với Hà Tiên vào năm 1824, vua Minh Mạng đã lấy tên vợ của Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại để đặt tên cho kênh là Vĩnh Tế. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Hầu đã không dẫn ra được nguồn sử liệu để làm rõ vấn đề mà chỉ dừng lại ở sự đoán định.

Chúng ta biết rằng, việc cho đào kênh nối liền Châu Đốc với Hà Tiên là công việc quân quốc trọng sự nằm trong phương lược trù biên của triều Nguyễn nên mọi tính toán đều được cân nhắc rõ ràng. Trong đó, việc đặt tên cho công trình này cũng phải mang ý nghĩa nhất định.

Lần theo thư tịch cũ triều Nguyễn, chúng ta tìm thấy ít nhất 3 tài liệu liên quan việc lấy tên cho kênh Vĩnh Tế. Đầu tiên, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đã đề cập như sau: “Năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, đo thẳng từ hào phía hữu sau đồn Châu Diên lên phía tây qua náo khẩu Ca-âm đến Kỳ Thọ (tục danh Cây cầu) dài 44.412 tầm, thành 205 dặm rưỡi, đặt tên là sông Vĩnh Tế”. Về mặt lịch sử, Trịnh Hoài Đức dâng sách Gia Định thành thông chí vào năm 1820, tức chỉ 1 năm sau khi kênh Vĩnh Tế khởi đào. Đại Nam thực lục cho biết: “Tháng 5 năm Canh Thìn (1820)… Thượng thư Trịnh Hoài Đức dâng sách Gia Định thông chí”. Gia Định thành thông chí được dâng vua Minh Mạng vào năm 1820 đã chứng tỏ tên kênh Vĩnh Tế phải ra đời trước năm 1820. Điều này đã phủ nhận quan điểm cho rằng, khi đào xong kênh, Minh Mạng mới ban tên kênh là Vĩnh Tế.

Việc kênh Vĩnh Tế ra đời vào năm 1819 hay 1820, dưới triều Gia Long hay Minh Mạng được đặt ra. Tra cứu các nguồn sử liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn đã dần làm sáng tỏ vấn đề. Sách Quốc triều Chánh biên toát yếu có chép: “Tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), đào sông Châu Đốc thông với Hà Tiên, gọi là sông Vĩnh Tế”. Đây là chỉ dấu quan trọng để thấy được thời gian và vị vua đã đặt tên kênh.

Vấn đề càng tỏ tường hơn khi tên gọi kênh Vĩnh Tế lần đầu tiên xuất hiện trong bộ Đại Nam thực lục vào triều Gia Long. Cụ thể, Đại Nam thực lục chép rằng: “Tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên. Cho tên là sông Vĩnh Tế. Vua (Gia Long) thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp Chân Lạp, việc công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào cho thông suốt”.

Như vậy, qua các nguồn sử liệu trên cho phép chúng ta khẳng định rằng, vua Gia Long đã đặt tên cho con kênh nối Châu Đốc với Hà Tiên là kênh Vĩnh Tế vào tháng 9 (âm lịch) năm 1819, tức là thời điểm con kênh này chưa được khởi đào.

Vậy tại sao có điều đó? Câu trả lời nằm ở cái tâm, cái tầm và cái tình của vị vua tiền triều nhà Nguyễn. Thứ nhất, dựa vào thực tế, việc đào kênh Vĩnh Tế vào thời điểm năm 1819 là công việc hệ trọng sẽ liên quan đến nhiều công văn, chỉ dụ, thư từ liên lạc, tấu sớ trong thời gian dài. Do đó, về mặt hành chính, Gia Long cần định một cái tên cụ thể cho công trình này để thuận tiện cho việc chỉ đạo, trao đổi giữa triều đình Huế với quan chức phụ trách đào kênh.

Thứ hai, năm 1818, kênh Thoại Hà ra đời là một công trạng vô cùng to lớn của Nguyễn Văn Thoại, nên Gia Long đã lấy tên ông để đặt cho tên kênh, tên núi. Nhưng công lao của vợ ông là Châu Thị Vĩnh Tế như đã nói trong việc phụ giúp chồng cũng không thể kể xiết, nhưng triều đình chưa tiện thưởng ban.

Năm 1819, Gia Long nhận thấy việc đào tuyến kênh nối Châu Đốc với Hà Tiên đã có điều kiện tiến hành. Trong những quan tướng bên dưới, Gia Long nhận thấy Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại là người phù hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, để con kênh sớm hoàn thành, cũng như có được sự “cúc cung tận tụy” của Nguyễn Văn Thoại, Gia Long đã thực hiện một bước đi đầy táo bạo là “bang công danh trước” cho gia đình Nguyễn Văn Thoại bằng việc đặt tên công trình trong tương lai là kênh Vĩnh Tế.

Việc ban tên Vĩnh Tế trước cho con kênh chính là một sự thừa nhận thực tâm của vua Gia Long trước đức hy sinh và những đóng góp to lớn của Châu Thị Vĩnh Tế, người đã không quản khó khăn, trở ngại giúp chồng trong việc đào kênh Thoại Hà, khai hoang lập ấp. Đó là một sự thừa nhận rất danh giá mà không phải phu nhân của quan tướng nào dưới triều Nguyễn cũng có được. Thậm chí, đây còn là sự thừa nhận theo cách rất đặc biệt, là một, là duy nhất.

Chính nghệ thuật trị quốc “ban công danh trước” của vua Gia Long mà trong suốt hơn 5 năm (1819 - 1824), Nguyễn Văn Thoại và Châu Thị Vĩnh Tế đã nêu cao trách nhiệm, không từ việc khổ, việc khó để hoàn thành trách nhiệm với triều đình. Trong điều kiện đó, sự đức hạnh, tiết liệt, đền trả ơn vua, hết lòng “phù chồng”, thương người quảng đại của Châu Thị Vĩnh Tế đã phát huy một cách cực độ. Giữa muôn trùng khó khăn của công việc đào đất, bới đá, vét kênh giữa chốn rừng thiêng nước độc, Châu Thị Vĩnh Tế đã cùng chồng Nguyễn Văn Thoại chỉ huy, đôn đốc, coi sóc số lượng con người rất lớn với hơn 80.200 người trong 3 đợt đào kênh.

Gia Long là bậc minh quân, am hiểu sâu sắc về thuật dùng người. Ông đã đặt trọn niềm tin vào Nguyễn Văn Thoại và Châu Thị Vĩnh Tế trong việc hiện thực hóa phương lược trù biên của đất nước. Nếu phu nhân của Nguyễn Văn Thoại không là bà Châu Thi Vĩnh Tế chắc gì Nguyễn Văn Thoại đã được chọn vì xứ Gia Định thành bấy giờ còn rất nhiều nhân tài thao lược, như: Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Tuyên, Trần Công Lại, Trần Văn Năng… Nhưng chỉ có Nguyễn Văn Thoại và Châu Thị Vĩnh Tế là cặp ăn ý nhất, “kẻ trong người ngoài” xứng đáng cho Gia Long chọn vào việc quốc gia đại sự ấy.

Có thể nói, lần theo những dấu xe của lịch sử, chúng ta đã làm sáng tỏ vấn đề tên gọi của dòng kênh huyền thoại - Vĩnh Tế. Dưới ánh sáng của lịch sử không chỉ làm tường minh về vị vua và thời điểm đặt tên cho kênh Vĩnh Tế, mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc ban tên trong nghệ thuật trị quốc, dùng người của Gia Long hơn 200 năm trước.

TS DƯƠNG THẾ HIỀN

(Trường Đại học An Giang)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/200-nam-kenh-vinh-te-chuyen-dat-ten-cho-dong-kenh-huyen-thoai-a405583.html
Zalo