20 triệu sự cố an ninh mạng trong 3 tháng, điều gì đang xảy ra?

Trong Quý 3 năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận hơn 20 triệu sự cố an ninh mạng qua các phương thức lây nhiễm phần mềm độc hại như USB và thiết bị cục bộ, ảnh hưởng đến 34,1% người dùng.

Báo cáo mới nhất của Kaspersky cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với làn sóng tấn công mạng ngày càng tinh vi và nguy hiểm, đòi hỏi các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ phải thay đổi chiến lược từ phòng thủ sang chủ động bảo vệ.

Nguy cơ gia tăng từ cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến

Từ tháng 7 đến tháng 9-2024, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Không chỉ gần 5 triệu mối đe dọa trực tuyến được phát hiện, mà các cuộc tấn công ngoại tuyến cũng không hề giảm, đưa Việt Nam đứng thứ 27 toàn cầu về mức độ bị tấn công qua các mối đe dọa cục bộ.

Tội phạm mạng không ngừng cải tiến thủ đoạn, từ lừa đảo tinh vi (social engineering) đến cài đặt mã độc thông qua các trang web bị xâm nhập. Theo Kaspersky, trung bình cứ 5 người Việt thì có 1 người trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Một trong những hình thức nguy hiểm nhất hiện nay là "drive-by download", cho phép kẻ tấn công âm thầm cài phần mềm độc hại khi người dùng truy cập các trang web nhiễm mã độc.

 20 triệu sự cố an ninh mạng trong 3 tháng.

20 triệu sự cố an ninh mạng trong 3 tháng.

Các cuộc tấn công an ninh mạng không chỉ qua mặt được nhiều giải pháp bảo mật hiện đại mà còn tạo ra những lỗ hổng nghiêm trọng, khiến người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp trở thành mục tiêu dễ dàng.

Mới đây, công an tỉnh Tây Ninh đã thành công triệt phá mạng lưới tội phạm mạng lớn chuyên lừa đảo qua mạng với số tiền giao dịch lên tới 25.000 tỉ đồng. Nhóm tội phạm này nhắm vào cả đối tượng cá nhân lẫn doanh nghiệp, hoạt động trên quy mô lớn. Vụ án này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy những lỗ hổng, điểm yếu trong môi trường kỹ thuật số tại Việt Nam, và qua đó nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp an ninh.

Làm thế nào để bảo vệ bản thân trong thời đại số?

Trong bối cảnh này, Kaspersky khuyến nghị các tổ chức và cá nhân áp dụng chiến lược bảo mật nhiều lớp để đối phó với mối đe dọa:

- Sao lưu dữ liệu thường xuyên: Doanh nghiệp và cá nhân nên sao lưu dữ liệu quan trọng ra nhiều thiết bị lưu trữ khác nhau hoặc trên nền tảng điện toán đám mây. Cách thức này giúp đảm bảo ngăn chặn việc mất dữ liệu trong trường hợp bị tấn công bằng mã độc ransomware.

- Cập nhật phần mềm thường xuyên: Việc cập nhật phần mềm, ứng dụng và hệ thống với các bản vá bảo mật mới nhất giúp ngăn chặn các cuộc tấn công, khai thác từ những lỗ hổng bảo mật.

- Tăng cường bảo vệ tài khoản: Tạo mật khẩu mạnh, với những ký tự đặc biệt cho mỗi tài khoản trực tuyến và sử dụng trình quản lý mật khẩu để dễ lưu trữ mật khẩu. Ngoài ra, người dùng cũng nên bật tính năng xác thực đa yếu tố cho các tài khoản liên quan đến tài chính và công việc.

- Cảnh giác với các nguồn thông tin liên lạc đáng ngờ: Luôn cảnh giác khi nhận được email, tin nhắn hoặc cuộc gọi bất ngờ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Nên xác minh kỹ người gửi hoặc người gọi trước khi cung cấp bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.

- Đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng tiên tiến: Doanh nghiệp nên triển khai các giải pháp bảo vệ như Kaspersky’s Unified Monitoring and Analysis Platform (KUMA) để theo dõi và giảm thiểu sự cố bảo mật theo thời gian thực.

- Nâng cao nhận thức an ninh mạng cho nhân viên: Tăng cường đào tạo về an ninh mạng cho nhân viên để phòng ngừa các cuộc tấn công theo phương thức tấn công phi kỹ thuật.

Nhìn chung, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tại Việt Nam không chỉ mở ra cơ hội mà còn kéo theo những nguy cơ đáng lo ngại. Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng nên áp dụng nhiều phương thức bảo mật, nâng cao cảnh giác, đây là chìa khóa xây dựng không gian mạng an toàn.

 Việt Nam đứng thứ 27 toàn cầu về mức độ bị tấn công qua các mối đe dọa cục bộ.

Việt Nam đứng thứ 27 toàn cầu về mức độ bị tấn công qua các mối đe dọa cục bộ.

Trở về trang chủ

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/20-trieu-su-co-an-ninh-mang-trong-3-thang-dieu-gi-dang-xay-ra-post820870.html
Zalo