20 năm sau thảm họa sóng thần, các quốc gia châu Á sẵn sàng đối phó với thiên tai

Trận sóng thần kinh hoàng tại Ấn Độ Dương xảy ra vào ngày 26/12/2004, do động đất độ lớn 9,1 ngoài khơi tỉnh Aceh của Indonesia gây ra, đã cướp đi sinh mạng của 230.000 người trên khắp Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và 9 quốc gia khác. Vực dậy sau đau thương, đến nay, các quốc gia châu Á đã chuẩn bị sẵn sàng hơn để ứng phó với thảm họa sóng thần.

Cảnh tan hoang sau sóng thần năm 2004 tại đảo Koh Phi Phi, Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Cảnh tan hoang sau sóng thần năm 2004 tại đảo Koh Phi Phi, Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Cơn ác mộng sóng thần cách đây 20 năm buộc các công đồng ven biển quanh lưu vực Ấn Độ Dương phải tính toán lại về khả năng đương đầu. Vào thời điểm xảy ra động đất ở Indonesia, không có hệ thống cảnh báo nào được triển khai ở Ấn Độ Dương. Nhưng hiện nay, 1.400 trạm cảnh báo trên toàn cầu đã cắt giảm thời gian cảnh báo xuống chỉ còn vài phút sau khi sóng thần hình thành.

Các chuyên gia nhận định rằng, ở thời điểm năm 2004, việc thiếu một hệ thống cảnh báo phối hợp phù hợp đã khiến tác động của thảm họa sóng thần thảm khốc hơn. Nhưng đến nay, các quốc gia châu Á đã chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết nhờ hàng triệu USD được rót đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng không bao giờ có thể ngăn chặn hoàn toàn tác động của một trận sóng thần kinh hoàng.

Dưới đây là câu chuyện điển hình về hành trình xây dựng khả năng đương đầu với sóng thần tại các quốc gia châu Á, 2 thập niên sau thảm họa với những con sóng cao hơn 30 m, có sức công phá tương đương 23.000 quả bom nguyên tử, dẫn đến tàn phá diện rộng.

Thái Lan

Trong gần 2 thập niên qua, ông Banlue Choosin không ngừng chăm chú theo dõi vùng biển quanh tỉnh Phang Nga, miền Nam Thái Lan để tìm dấu hiệu bất thường. Người đàn ông 59 tuổi này từng làm ngư dân. Chính kinh nghiệm cùng kiến thức sâu rộng về biển cả là lý do khiến cộng đồng làng Ban Nam Khem tin tưởng để ông theo dõi vùng biển này sau thảm họa sóng thần năm 2004.

Khi đó, làng Ban Nam Khem đã bị tàn phá nặng nề. Còn Phang Nga là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Thái Lan, với 5.400 người tử vong, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Sau thảm họa, làng Ban Nam Khem, đã thiết kế và triển khai hệ thống giảm thiểu rủi ro tại địa phương để chuẩn bị cho sóng thần nào trong tương lai.

Hệ thống này bao gồm một nơi trú ẩn bằng bê tông, hai hệ thống báo động, các tuyến đường sơ tán rõ ràng. Và đáng chú ý là ông Banlue, tình nguyện viên theo dõi chặt chẽ biển sau mọi trận động đất trong khu vực và báo cáo lại cho văn phòng chính quyền tỉnh.

Một số bộ phận của hệ thống này được kiểm tra thường xuyên. Ví dụ, vào mỗi sáng thứ Tư, hai hệ thống báo động sóng thần sẽ phát quốc ca để đảm bảo vẫn vận hành trơn tru.

Ông Banlue cho biết 2.000 cư dân của Ban Nam Khem cũng được khuyến khích chuẩn bị một túi đồ dùng chứa các giấy tờ cần thiết để sơ tán nhanh chóng.

Dưới đây là video hình ảnh tư liệu về thảm họa sóng thần năm 2004 (nguồn: Reuters):

Indonesia

Có 167.000 người tử vong tại Indonesia trong trận sóng thần năm 2004. Nhưng sự kiện này đã mở ra một kỷ nguyên mới về quản lý thảm họa có hệ thống và có cấu trúc hơn trên khắp Indonesia, dựa trên các biện pháp quốc tế tốt nhất.

Nhiều quy định được ban hành để thiết lập và hợp lý hóa quy trình cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và thực phẩm trong trường hợp xảy ra thảm họa. Bên cạnh đó là thành lập các cơ quan địa phương để phối hợp nỗ lực nhân đạo trên thực địa. Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia cũng tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong ứng phó khẩn cấp.

Giáo dục và diễn tập phòng ngừa sóng thần đã trở thành lịch trình bắt buộc tại tất cả các trường học trong tỉnh Aceh từ năm 2010. Việc triển khai chương trình trường học an toàn trước thảm họa đã được thực hiện trên toàn quốc vào năm 2012. Hệ thống còi báo động đã được lắp đặt tại một số tỉnh và người dân được hướng dẫn về những việc cần làm trong trường hợp báo động vang lên.

Smong, kiến thức của người dân bản địa về sóng thần, hiện là một phần trong chương trình giảng dạy của mọi trường tiểu học và trung học cơ sở ở đảo Simeulue cũng như ở một số huyện khác ở tỉnh Aceh.

Nhưng anh When Ahmadi, một người dân đảo Simeulue đánh giá: “Để chuẩn bị đầy đủ, chúng ta không thể chỉ dựa vào tổ tiên, chúng ta phải đảm bảo mọi đứa trẻ đều sẵn sàng”. Bản thân Ahmadi sống tại thủ phủ Banda Aceh của tỉnh Aceh khi sóng thần ập đến năm 2004 và anh đã nhanh chóng sơ tán đến nơi cao hơn. Khi đó, Ahmadi cố gắng thuyết phục nhiều hàng xóm làm điều tương tự, nhưng họ không nghe theo. Khi anh trở lại, có rất nhiều người đã thiệt mạng. Anh chia sẻ: “Ngày nay, số thương vong sẽ giảm đi nhiều bởi chúng ta được chuẩn bị tốt hơn”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters, NDTV)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/20-nam-sau-tham-hoa-song-than-cac-quoc-gia-chau-a-san-sang-doi-pho-voi-thien-tai-20241219170602899.htm
Zalo