20 năm sau ngày công bố dịch SARS, thế giới thêm nhiều mối lo vì dịch bệnh

Vào tháng 3-2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo toàn cầu về một bệnh hô hấp bí ẩn ảnh hưởng tới sức khỏe con người hoành hành ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chứng bệnh này được gọi là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).

Người dân đeo khẩu trang để phòng chống virus SARS tại Hồng Kông, ngày 31/3/2003. Ảnh: Getty

Theo thông tin trên trang web của WHO, các trường hợp nhiễm SARS đầu tiên, khi đó được cho là viêm phổi, nhiều khả năng là xuất hiện tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vào tháng 11-2002. Đến ngày 15-2-2003, Trung Quốc đã báo cáo 305 ca viêm phổi không điển hình, sau đó được phát hiện là SARS. WHO đưa ra cảnh báo y tế toàn cầu về SARS vào ngày 12-3-2003. Trung Quốc sau đó đã lên tiếng xin lỗi sau khi nhận nhiều chỉ trích vì đã không cảnh báo cho các cơ quan y tế thế giới về đợt bùng phát ban đầu của dịch SARS cũng như tiến hành các biện pháp phòng ngừa để ngăn căn bệnh này lan rộng.

Công nhân phun thuốc khử trùng phòng chờ của một nhà ga xe lửa ở Bắc Kinh để chống lại dịch SARS, ngày 25/5/2003. Ảnh: Getty

Sau đó, SARS được ghi nhận ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 8.422 người mắc, trong đó có 916 người chết (tỷ lệ tử vong là 10,87%). SARS đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới du lịch, kinh tế, chính trị và xã hội của nhiều nước. Kinh tế thế giới ước tính bị thiệt hại tới 150 tỷ USD, trong đó riêng các nước Đông Á và Đông Nam Á thiệt hại tới 28,4 tỷ USD.

SARS là một chứng bệnh hô hấp ở người do virus mang tên SARS-CoV gây ra. Đây là một chủng của virus corona và được xác định có nguồn gốc từ cầy hương. Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trung Quốc, virus gây dịch SARS năm 2002-2003 có thể xuất phát từ một chợ động vật hoang dã của nước này. Các triệu chứng chính của SARS khá giống cúm, bao gồm sốt cao và ho khan. Trong một số trường hợp, người bệnh bị đau đầu, tiêu chảy, cứng khớp, phát ban, chóng mặt và nhạt miệng. Người bệnh bắt đầu khó thở từ 2 đến 10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn SARS lây truyền như thế nào nhưng tin rằng phải tiếp xúc gần với người bệnh mới có thể nhiễm bệnh.

Các bác sĩ và nhân viên bệnh viện nói chuyện bên trong khu vực đặc biệt dành cho bệnh nhân SARS tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm ở New Delhi (Ấn Độ), ngày 1/5/2003. Ảnh: AFP/Getty

Ngày 5-7-2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo các trường hợp lây nhiễm từ người sang người của SARS đã chấm dứt, tức dịch SARS đã được kiểm soát trên toàn cầu.

Tuy nhiên, 20 năm sau, thế giới lại đối mặt với nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, như bệnh Ebola, Covid-19, các bệnh không lây nhiễm, đại dịch cúm toàn cầu... và hiện nay là bệnh Marburg.

Cụ thể, bệnh Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976, nhưng đã trở thành ổ dịch lớn nhất kể từ khi phát hiện ở Tây Phi trong giai đoạn 2014-2016, với tỉ lệ tử vong khoảng 50%. Nguồn gốc được xác địch là do virus của loài dơi ăn quả. Theo thống kê của WHO, bệnh Ebola đã khiến hơn 11.320 người thiệt mạng và khoảng 28.600 người nhiễm bệnh.

Hình minh họa về COVID-19 do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tạo ra. Ảnh: Science

Đặc biệt, sự xuất hiện của bệnh COVID-19 đã khiến cả thế giới chao đảo bởi sự tác động mạnh mẽ đến các khía cạnh của đời sống. Vào tháng 1-2020, chính quyền Trung Quốc công bố ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), COVID-19 là một bệnh đường hô hấp truyền nhiễm do một loại coronavirus có tên là SARS-CoV-2 gây ra. “CO” là viết tắt của corona, “VI” là vi rút và “D” là bệnh. Giống như các bệnh về đường hô hấp khác, nó có thể gây ra cho người nhiễm bệnh các triệu chứng nhẹ bao gồm sổ mũi, đau họng, ho và sốt. Và cũng có thể nghiêm trọng hơn đối với một số người, dẫn đến viêm phổi hoặc khó thở và suy nội tạng, nguy hiểm hơn có thể sẽ khiến người bệnh tử vong. Người già và những người mắc bệnh nền từ trước dễ bị nhiễm virus nặng hơn. Hiện WHO đang nỗ lực tìm kiếm câu trả lời chính thức cho nguyên nhân gây ra bệnh này, song tỷ lệ tử vong do COVID-19 chiếm từ 1 đến 2%. Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hơn 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến ngày 15-3-2023, toàn thế giới đã có gần 800 triệu ca nhiễm COVID-19 với hơn 6,86 triệu ca tử vong.

Mặc dù chỉ mất 8 tháng để WHO tuyên bố thế giới đã kiểm soát được dịch SARS. Song đã 20 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên thế giới biết đến SARS thì đến nay vẫn chưa có văcxin ngừa được loại virus này. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 tuy đã bước sang năm thứ 3 nhưng diễn tiến vẫn còn nhiều phức tạp. Phát biểu về vấn đề này, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc các quốc gia sống chung với COVID-19 sẽ là “bình thường mới” trong thời gian tới. Hiện đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đang ghi nhận số ca nhiễm mới bùng phát trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội.

Tiêm vaccine là cách phòng bệnh tốt nhất. Ảnh: Internet

Tiêm vaccine là cách phòng bệnh tốt nhất. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó là bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg gây ra. Đây là bệnh hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao lên đến 70-80%. Bệnh được xác định có nguồn gốc từ vật chủ chứa virus Marburg là loài dơi ăn quả châu Phi - Rousettus aegyptiacus. Virus này thuộc họ Filovirus, cùng họ với Ebola virus. Loài dơi này nhiễm virus nhưng không biểu hiện bệnh. Tuy nhiên nếu động vật hay người nhiễm bệnh này có thể gây bệnh nặng với tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh do virus Marburg gây ra có nhiều điểm giống nhau về mặt lâm sàng với Ebola như quá trình phát triển trong cơ thể, mức độ/cách thức lây lan; có thể gây ra những triệu chứng và biến chứng tương tự và có nguy cơ bùng dịch với tỷ lệ tử vong cao.

Thời gian ủ bệnh của virus Marburg từ 2-21 ngày, trong thời gian ủ bệnh Marburg không có tính lây nhiễm. Các dấu hiệu bệnh sau đó thường khởi phát đột ngột với các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, đau họng và mệt mỏi dữ dội. Đau cơ rất thường gặp. Tiêu chảy nước, đau bụng, vọp bẻ, nôn và buồn nôn có thể gặp từ ngày thứ 3. Tiêu chảy có thể kéo dài cả tuần.

Trên thế giới hiện có 9 trường hợp tử vong và 16 trường hợp nghi nhiễm từ đợt bùng phát ở Guinea Xích Đạo. Marburg virus được phát hiện lần đầu vào năm 1967 tại một phòng thí nghiệm tại Marburg (Đức), Belgrade và hiện đang gây dịch tại Guinea Xích Đạo khi gây bệnh sốt xuất huyết.

Khác với Ebola, cho tới nay vẫn chưa có vaccine hay phương pháp điều trị đặc hiệu nào với virus Marburg, nên việc phòng ngừa virus Marburg là điều cần thiết, đặc biệt trong vấn đề tiếp xúc và sử dụng các sản phẩm từ động vật. Bệnh có thể tái phát ở một số người nhưng đây là trường hợp rất hiếm gặp; lý do xảy ra tình trạng này vẫn đang được nghiên cứu, chưa có kết luận cụ thể.

Có thể nói, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe về tinh thần và mà còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu. Để tránh rơi vào suy thoái khi hàng triệu việc làm mất đi trong đại dịch, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa lại nền kinh tế bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn chưa lắng xuống...

Hương Giang (tổng hợp)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phan-tich-binh-luan/20-nam-sau-ngay-cong-bo-dich-sars-the-gioi-them-nhieu-moi-lo-vi-dich-benh/181199.htm
Zalo