2 triệu chứng sau ăn là dấu hiệu của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường ngày càng phổ biến, dễ dẫn tới nhiều biến chứng nên bạn cần để tâm tới các triệu chứng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người sống chung với bệnh tiểu đường đã tăng từ 200 triệu người năm 1990 lên 830 triệu người năm 2022. Tỷ lệ mắc bệnh đang gia tăng nhanh hơn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình so với các quốc gia có thu nhập cao.

Bệnh tiểu đường gây ra mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và cắt cụt chi dưới. Dưới đây là các triệu chứng của bệnh tiểu đường có thể bộc lộ sau bữa ăn:

Cảm thấy buồn ngủ hoặc chóng mặt

Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, hai dấu hiệu này thường liên quan đến sự dao động của lượng đường trong máu. Khi đường huyết quá cao, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải và thiếu minh mẫn. Ngược lại, đường huyết xuống quá thấp có thể gây chóng mặt, lú lẫn và kiệt sức. Cả hai tình trạng trên đều phổ biến ở những người kiểm soát bệnh tiểu đường chưa tốt.

Chế độ ăn uống hợp lý giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa: Pexels

Chế độ ăn uống hợp lý giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa: Pexels

Một nguyên nhân khác dẫn đến các triệu chứng này là tình trạng kháng insulin - đặc điểm chính của bệnh tiểu đường type 2. Khi các tế bào trong cơ thể không phản ứng hiệu quả với insulin, glucose không thể đi vào tế bào để tạo năng lượng. Kết quả là người bệnh có thể cảm thấy yếu hoặc buồn ngủ ngay sau khi ăn.

Ngoài ra, bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và chức năng thần kinh, gây chóng mặt - đặc biệt khi đứng dậy quá nhanh. Mất nước do đi tiểu thường xuyên - một triệu chứng khác của tăng đường huyết - cũng có thể làm trầm trọng thêm cảm giác mệt mỏi và chóng mặt.

Táo bón nặng

Theo Mayo Clinic, những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị tổn thương dây thần kinh điều khiển hệ tiêu hóa. Khi đó, nhu động ruột có thể chậm lại, dẫn đến táo bón. Mức đường huyết cao kéo dài cũng có thể khiến hệ tiêu hóa hoạt động không bình thường.

Ngoài ra, một số người mắc tiểu đường type 2 không uống đủ nước hoặc không ăn đủ chất xơ - những yếu tố quan trọng giúp nhu động ruột đều đặn. Một số loại thuốc điều trị tiểu đường, chẳng hạn như thuốc hạ đường huyết hoặc thuốc sắt được kê kèm, cũng có khả năng gây táo bón.

Để kiểm soát táo bón do tiểu đường, cần duy trì lượng đường huyết ổn định, uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ và vận động thường xuyên. Nếu tình trạng táo bón kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bác sĩ Trương Gia Minh (Trung Quốc) chia sẻ trên China Times, đi bộ chậm 30 phút mỗi ngày có thể ổn định lượng đường trong máu sau bữa ăn và kích thích nhu động ruột. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước và bổ sung chất xơ như khoai lang, yến mạch và hạt chia; massage bụng theo chiều kim đồng hồ trước khi đi ngủ để kích thích nhu động ruột; sử dụng vừa phải các thực phẩm có chứa probiotic hoặc prebiotic như đậu nành lên men, hành tây, tỏi.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/2-dau-hieu-cua-benh-tieu-duong-boc-lo-sau-bua-an-2395077.html
Zalo