2 nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục vào top 10.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới năm 2024
Đó là GS.TS Nguyễn Đình Đức và PGS.TS Lê Hoàng Sơn tiếp tục có mặt trong top 10.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2024 của bảng xếp hạng bởi nhóm các nhà khoa học của Đại học Stanford (Mỹ), dựa trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus.
Ngày 17.9.2024, Nhà xuất bản Elsevier vừa công bố danh sách xếp hạng các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới dựa. Danh sách này được xây dựng bởi nhóm các nhà khoa học của Đại học Stanford (Mỹ), dựa trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus.
Cách đánh giá của các chuyên gia dựa trên những chỉ số đánh giá phức tạp chứ không chỉ đơn thuần đếm số lượt trích dẫn, và vì vậy cho kết quả chuẩn xác khi cập nhật cơ sở dữ liệu của hơn 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (từ nguồn dữ liệu của Scopus).
Xếp hạng của họ dựa vào các tiêu chí quan trọng như: chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (composite score); tổng số trích dẫn (không bao gồm các tự trích dẫn); chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính (tên đầu tiên - first author và tác giả liên hệ - corresponding author), và tác giả cuối cùng - last author, …
Theo đánh giá của Elsevier, danh sách này cho thấy những nhà khoa học nào có tác động lớn nhất trong lĩnh vực của họ. Bảng xếp hạng xem xét những thứ như tần suất các nhà khoa học khác đề cập đến công việc của họ. Nếu nhà khoa học nằm trong danh sách các nhà khoa học hàng đầu trong danh mục này của Stanford Elsevier năm 2024, điều đó có nghĩa là công việc của họ thực sự quan trọng và hữu ích cho các nhà khoa học khác.
Theo bảng xếp hạng trong số các nhà khoa học Việt Nam cơ hữu đang công tác thường xuyên trong nước, có 9 nhà khoa học lọt vào bảng xếp hạng trong top 10.000 thế giới và 60 nhà khoa học lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2024.
Trong danh sách này, Đại học Quốc gia Hà Nội có 2 nhà khoa học được xếp hạng cao trong top 10.000 thế giới là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và PGS.TS Lê Hoàng Sơn.
Như vậy GS Nguyễn Đình Đức và PGS Lê Hoàng Sơn được xếp hạng trong top 10.000 nhà khoa học của Đại học Quốc Gia Hà Nội có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới trong 6 năm liên tiếp từ 2019 đến nay.
Các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).
Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, năm nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã vươn lên xếp hạng 78 trong lĩnh vực Engineering và PGS.TS Lê Hoàng Sơn đứng thứ 303 trong lĩnh vực CNTT.
Trước đó, phòng Thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha) vừa công bố kết quả xếp hạng Webometrics lần thứ nhất của năm 2024. Tại kỳ xếp hạng này, ĐH Quốc gia Hà Nội gia tăng vị trí trong top 700 thế giới và lần đầu tiên tiêu chí Mức độ ảnh hưởng lọt top 500 thế giới (vị trí 495).
Cũng trong kỳ xếp hạng này, ĐH Quốc gia Hà Nội lọt top 500 thế giới ở tiêu chí Impact – đã cho thấy mức độ lan tỏa mạnh mẽ, bền vững về nguồn tài nguyên số và uy tín học thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội tới cộng đồng giáo dục cũng như toàn xã hội.
Theo đó, trong kỳ xếp hạng tháng 2/2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí số 1 Việt Nam và gia tăng vị trí trong bảng xếp hạng thế giới (từ vị trí 671 lên vị trí 649) và khu vực (vị trí thứ 11 Đông Nam Á – tăng 1 bậc so với kỳ trước và 140 châu Á – tăng 27 bậc so với kỳ trước).
Những kết quả đáng tự hào này một lần nữa tiếp tục khẳng định vị thế của các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế. Và cũng là thành quả của sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học và khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với trình độ và các hương nghiên cứu tiên tiến của thế giới.
Nhật Hồng