2 lý do khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lo ngại không 'về đích' như kỳ vọng

Thị trường khó đoán định và ảnh hưởng của siêu bão Yagi có thể là nguyên nhân khiến xuất khẩu gỗ và lâm sản không về đích 17,5 tỷ USD như kỳ vọng.

Hoa Kỳ dẫn đầu thị trường xuất khẩu

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 9/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, giảm 17,1% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 10,9% so với tháng 9/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 902,5 triệu USD, giảm 12,5% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 19,8% so với tháng 9/2023.

2 lý do khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lo ngại không về đích trong năm 2024 như kỳ vọng

2 lý do khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lo ngại không về đích trong năm 2024 như kỳ vọng

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,7 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,04 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu, trị giá xuất khẩu sang các thị trường chính vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024, chỉ có xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc giảm nhẹ.

Trong đó, dẫn đầu về trị giá xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2024 là thị trường Hoa Kỳ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,4%; Nhật Bản đạt 1,26 tỷ USD, tăng 0,1%; Hàn Quốc đạt 574,6 triệu USD, giảm 1,5%...

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ Việt Nam (VIFORES) - cho rằng, tăng trưởng hai con số hiện nay chủ yếu do năm 2023 xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã giảm rất sâu (giảm 15,9%) sau nhiều năm tăng trưởng liên tục. Nếu so sánh với năm 2022, là năm kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 16,1 tỷ USD, thì tăng trưởng 9 tháng đầu năm nay cũng chỉ nên coi là sự phục hồi sau khi giảm chạm đáy. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã phục hồi nhanh hơn dự báo và cao hơn nhiều ngành hàng khác.

Nhận định về tình hình xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, với đà tăng trưởng của 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả năm có thể khả quan. Bởi thông thường, trong quý cuối năm, sẽ vào cao điểm mua sắm của người tiêu dùng tại nhiều nước, do đó, khả năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng tốc về đích. Nếu không có những bất trắc, cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ có thể đạt trên 16 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu nhận định, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, bởi tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường; xung đột địa chính trị, tác động giá cước vận tải biển tăng cao dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng, khiến giá thành sản phẩm đầu ra tăng. Điều này sẽ tác động tới đà tăng trưởng của ngành gỗ và có khả năng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ hoàn thành 90% đến 95% kế hoạch đề ra trong năm 2024.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Lâm Việt - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (Bifa) – nhận định, tình hình chung của các doanh nghiệp ngành gỗ tại Bình Dương tương đồng hoặc tăng nhẹ so với năm 2023 chứ chưa bằng hồi 2022 khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kỷ lục trên 16 tỷ USD.

Năm 2023, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD nhưng không đạt. Sang 2024, mục tiêu này lần nữa được đề ra. Tuy nhiên, tình hình đơn hàng cả năm 2024 có thể chỉ đạt khoảng 70 - 80% của 2022. Đáng chú ý, sự phục hồi thực chất cũng không đều giữa các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp FDI có phần tốt hơn, nhóm nội địa có công ty hoạt động thuận lợi nhưng cũng còn đơn vị gặp khó.

Đáng chú ý, bão Yagi khiến 170.000 ha rừng trồng tại các tỉnh thành phía Bắc thiệt hại. Nhiều nhà xưởng chế biến khu vực này cũng bị hư hỏng nặng. Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) dự báo hoạt động sản xuất ngành gỗ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý cuối năm.

Buộc phải thay đổi để thích ứng

Hoa Kỳ hiện đang là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) - cho hay, thị trường Hoa Kỳ - vốn chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu - vẫn còn yếu tố khó lường, nhất là phải theo dõi diễn biến cuộc bầu cử Mỹ tháng sau. Ngoài ra, đình công nổi lên ở khu vực Bờ Đông có thể làm cước tàu biển tăng, khiến khách mua chậm thanh toán tiền hàng hơn.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Liêm đánh giá, 9 tháng qua, thị trường Hoa Kỳ đã chi 5,9 tỷ USD mua đồ gỗ nội thất "Made in Vietnam", tăng gần 25% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, các mặt hàng chất lượng trung bình và rẻ được tiêu thụ tốt hơn.

Để mở rộng đầu ra, một số doanh nghiệp đang chủ động thích ứng với các xu thế mới. Ông Nguyễn Liêm cho biết, hiện một số doanh nghiệp Bình Dương bắt đầu tự thiết kế sản phẩm đi chào khách hàng. Số khác chủ động bán lẻ thêm qua các kênh thương mại điện tử thay vì chỉ xuất sỉ.

Trong khi đó, với sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và chủ động xúc tiến thương mại, cải thiện quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, chú trọng tăng cường năng lực phòng vệ thương mại vì tần suất xuất hiện các vụ khởi kiện và điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế có thể ngày càng nhiều hơn. Doanh nghiệp cũng cần sớm có biện pháp hữu hiệu giảm phát thải, tiến tới phát thải bằng 0.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/2-ly-do-khien-xuat-khau-go-va-san-pham-go-lo-ngai-khong-ve-dich-nhu-ky-vong-352958.html
Zalo