2 doanh nghiệp sản xuất sữa giả không phải là thành viên của Hiệp hội sữa Việt Nam
Hiệp hội Sữa Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tăng cường phòng chống hàng giả là sản phẩm sữa. Đồng thời cho biết, 2 doanh nghiệp sản xuất sữa giả không phải là thành viên của Hiệp hội Sữa Việt Nam.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và 6 người khác liên quan đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả.
Trước sự tác động của sữa giả đối với sức khỏe con người, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết, đơn vị vừa có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tăng cường phòng chống hàng giả là sản phẩm sữa.

Công văn Hiệp hội sữa Việt Nam đề nghị tăng cường phòng chống sữa giả
Trong công văn nêu rõ, thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dưới danh nghĩa sản phẩm sữa đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và tinh vi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín doanh nghiệp, cũng như niềm tin vào thị trường sữa nội địa.
Theo đó, các sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng hầu hết tập trung vào nhóm sản phẩm dùng cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền... Đồng thời, thường bị lợi dụng tiêu thụ thông qua kênh phân phối trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream… và được quảng cáo như "thần dược", gây khó khăn cho việc kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng.
Hiệp hội Sữa Việt Nam cảm ơn Bộ Công an thời gian qua đã điều tra, khởi tố, xử lý nhiều vụ sản xuất hàng giả là sữa. Đặc biệt, gần đây vừa khởi tố 2 doanh nghiệp sản xuất sữa giả có quy mô lớn tại Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma với 573 sản phẩm, giá trị hàng hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Việc quản lý các sản phẩm sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng không thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương - Ảnh: Báo CAND
Theo Hiệp hội, hai doanh nghiệp nêu trên không phải là thành viên của Hiệp hội Sữa Việt Nam. Việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sữa giả có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người mắc bệnh nền...
Ông Trung cũng nhấn mạnh, sữa giả không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước, gây nên tình trạng trầm trọng về sức khỏe đối với người có bệnh nền.
“Sữa giả không đảm bảo chất lượng, có thể chứa các thành phần độc hại, gây nên ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính, giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, khiến người tiêu dùng đối mặt với các vấn đề sức khỏe dài hạn", ông Trung cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho hay, việc sản xuất kinh doanh sữa giả làm mất niềm tin của người tiêu dùng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất sữa chân chính, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sữa Việt Nam.
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp ngành sữa làm ăn chân chính, giúp ngành sữa Việt Nam phát triển bền vững, Hiệp hội Sữa Việt Nam mong Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, điều tra, phát hiện và triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất - buôn bán sữa giả, sữa kém chất lượng trên toàn quốc.
"Hiệp hội Sữa Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ chuyên môn và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của sữa giả”, nội dung công văn nêu rõ.
Như VOV thông tin, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn TP Hà Nội và các tinh, thành phố trên toàn quốc.

Gần 700 nhãn hiệu sữa giả được tuồn ra thị trường trong 4 năm qua
Lực lượng chức năng đã ra các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với: Hoàng Mạnh Hà (SN 1979, Giám đốc Rance Pharma từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2024, cổ đông góp vốn công ty Hacofood); Vũ Mạnh Cường (SN 1979, Giám đốc Hacofood từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2024); Đặng Trung Kiên (Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood) về tội về tội "Sản xuất, buồn bán hàng giả là thực phẩm".
Ngoài ra, 5 bị can khác bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Bước đầu cơ quan công an xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, các bị can đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (địa chỉ tại Hà Đông, Hà Nội), để kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (sữa bột).
Các sản phẩm công bố nhiều thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Nhưng trên thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu, chất phụ gia thay thế.
Cơ quan điều tra xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng này đã sản xuất 573 loại sữa bột với các nhãn hiệu khác nhau, mang lại doanh thu gần 500 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra còn xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.