14/135 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2024 là nữ
Lễ tôn vinh 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024 được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 28/8 tại Hà Nội.
Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cùng đại diện lãnh đạo Bộ, ban ngành trung ương. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự, phát biểu chỉ đạo và trao tặng biểu trưng, bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu.
Trong số 135 trí thức tiêu biểu năm 2024, có 51 trí thức thuộc các liên hiệp hội địa phương, 54 trí thức thuộc các hội ngành toàn quốc, 112 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ và tương đương trở lên và 3 anh hùng lao động.
Trong số các gương mặt trí thức được vinh danh năm nay có 14 nữ, đó là những phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau với các công trình nghiên cứu khoa học ý nghĩa, thiết thực, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống như: PGS.TS.Nhà giáo nhân dân, An hùng lao động Nguyễn Thị Trâm, Hội Giống cây trồng Việt Nam; PGS.TS.Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân, Thành viên Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế...
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương đóng góp của 135 trí thức tiêu biểu được tôn vinh. Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã từng bước thể hiện vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cơ chế, chính sách chưa khuyến khích, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; khoa học công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Trong khi đó, các sản phẩm khoa học công nghệ của nước ngoài mạnh mẽ vào thị trường trong nước; sự cạnh tranh gay gắt, nảy sinh các vấn đề tranh chấp mới liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp.
Bối cảnh đó đòi hỏi đội ngũ trí thức nước nhà phải có nhận thức mới, tư duy khoa học gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước. Cùng với đó là yêu cầu cấp thiết về hành lang pháp lý, thể chế, chính sách, đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học và các trung tâm khoa học lớn của cả nước.
Tại sự kiện, PGS.TS.Nhà giáo nhân dân, An hùng lao động Nguyễn Thị Trâm, Hội Giống cây trồng Việt Nam, xúc động gửi lời cảm ơn tới cơ quan, đơn vị đã khuyến khích, hỗ trợ giúp bà làm nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu ra sản xuất lớn, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đến bà con nông dân ở nhiều vùng Tổ quốc đã mạnh dạn ứng dụng những kết quả nghiên cứu. "Tôi mong rằng đây sẽ là cơ sở, tiền đề cho các nhà nghiên cứu trẻ đầu tư cho học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức và kỹ năng để thực hành tốt nghiên cứu hiện đại, đưa nền khoa học nông nghiệp hội nhập thế giới" - PGS.TS Nguyễn Thị Trâm nhấn mạnh.
Là một trong số những trí thức trẻ được tôn vinh, TS Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, những chính sách mới trong những năm gần đây của nhà nước đã tạo rất nhiều điều kiện để đội ngũ nữ trí thức có cơ hội tiếp cận gần hơn với nghiên cứu khoa học. "Tỉnh Đắk Nông đã và đang có nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có mong muốn tiếp cận với lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Mong rằng sẽ có nhiều công trình hữu ích hơn nữa với thực tế đời sống nhân dân cũng như sự phát triển của địa phương, của đất nước".
Danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" được trao từ năm 2015, qua 5 lần tổ chức có 587 cá nhân được vinh danh. Những người được lựa chọn là trí thức hoạt động trong các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các cơ quan của các ngành, lĩnh vực, địa phương và các tổ chức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ 10 năm trở lên; những trí thức có uy tín khoa học, đóng góp thiết thực, hiệu quả và có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành được xã hội công nhận.