14.000 thí sinh dự kỳ thi Đánh giá tư duy đợt 1 năm 2025 của ĐH Bách khoa Hà Nội
Kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được 50 cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh đầu vào.
Khởi động mùa tuyển sinh đại học 2025, trong hai ngày cuối tuần (18-19/1), gần 14.000 thí sinh sẽ tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy đợt 1 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Trong đó, chiều nay (18/1) là ca thi đầu tiên của đợt 1, với gần 7.000 thí sinh tham gia. Từ khoảng 12 giờ 30 phút, đã có rất đông học sinh tập trung về Đại học Bách khoa Hà Nội để tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy đợt 1, năm 2025
Để chuẩn bị cho kỳ thi chiều nay, ngay từ 8 giờ sáng, chú Trần Văn Thiều (51 tuổi, Thái Bình) đã cùng con trai bắt xe khách để lên Hà Nội để dự thi.
Cũng như nhiều phụ huynh khác, chú Thiều không giấu được sự hồi hộp khi lần đầu tiên đưa con đi thi để chuẩn bị xét tuyển đại học. Dù phải di chuyển hơn 100 km, chú vẫn ủng hộ quyết định của con trai khi lựa chọn kỳ thi này như một cơ hội để thử sức và đánh giá năng lực bản thân.
"Nhìn con học tập vất vả, gia đình cũng rất thương và luôn cố gắng động viên, tạo tâm lý thoải mái nhất cho con trước kỳ thi," chú Thiều chia sẻ.
Em Trần Trọng Cường, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Hà Nội), cho biết em đã tìm hiểu về kỳ thi Đánh giá tư duy từ tháng 8 năm 2024. Cường đặt mục tiêu đạt 55-65/100 điểm, với mong muốn theo học ngành Kỹ thuật vật liệu của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhận định đây là kỳ thi có tính phân loại cao và yêu cầu khả năng tư duy tốt, Cường dự định thi cả ba đợt để đạt kết quả cao nhất. Ngoài ra, em cũng sẽ tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Việc tham gia hai kỳ thi cùng lúc chắc chắn sẽ tạo áp lực và có phần quá tải, nhưng em sẽ cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để đạt kết quả tốt nhất," Cường cho biết.
Trong khi đó, em Phùng Nguyễn Kim Chi, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (Hà Nội), lựa chọn thi Đánh giá tư duy kết hợp với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học. Kim Chi chia sẻ, cả gia đình em đều từng theo học Đại học Bách khoa Hà Nội, vì vậy ngay từ nhỏ, em đã mơ ước được trở thành sinh viên của trường.
"Em tìm hiểu về kỳ thi Đánh giá tư duy từ năm lớp 10, nhưng đến lớp 12 mới chính thức ôn tập. Ngoài học ở trường, em còn học thêm bên ngoài để củng cố kiến thức. Hiện tại, em vẫn chưa xác định ngành học cụ thể," Kim Chi nói.
Dự kiến 24/1 sẽ có kết quả thi Đánh giá tư duy đợt 1
Trao đổi với báo chí, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết kỳ thi Đánh giá tư duy nhằm hỗ trợ công tác tuyển sinh đại học, với mục tiêu phân loại thí sinh hiệu quả.
Năm nay, số đợt thi được giảm từ 6 xuống còn 3, nhưng số lượng ca thi trong mỗi đợt lại tăng lên. Đợt thi đầu tiên bao gồm hai ca: một ca vào chiều thứ Bảy và một ca vào sáng Chủ nhật. Riêng trong chiều nay, có khoảng 6.891 thí sinh đăng ký dự thi, nâng tổng số thí sinh tham gia đợt 1 lên khoảng 14.000.
Phần lớn thí sinh đến từ các tỉnh phía Bắc, tính từ Hà Tĩnh trở ra. Đặc biệt, ngoài 12 tỉnh, thành như năm qua là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, năm nay, trường mở thêm điểm thi ở tỉnh Lào Cai để thí sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc thuận tiện hơn.
Công tác ra đề thi năm nay cũng được đánh giá là phức tạp và vất vả hơn, đòi hỏi đối sánh câu hỏi kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo không có nội dung nào vượt ra ngoài phạm vi chương trình.
Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin thêm, mặc dù công tác chấm thi diễn ra ngay sát Tết, nhưng nhờ áp dụng chuyển đổi số, quá trình này được tối ưu hóa để tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Dự kiến, toàn bộ giấy báo kết quả thi sẽ được gửi đến thí sinh vào ngày 24/1.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục ứng dụng nhiều công nghệ mới trong tổ chức kỳ thi. Hệ thống nền tảng số được nâng cấp với các máy chủ và tài nguyên máy tính nhằm đảm bảo quá trình thi diễn ra suôn sẻ, không gặp sự cố. Hệ thống ra đề thi được tích hợp mô-đun lưu trữ, bảo mật và mã hóa đề thi, giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đồng thời, công tác đánh giá kết quả thi và xuất phổ điểm cũng được cải tiến trên nền tảng số, nâng cao tính chính xác và minh bạch.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 50 cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển. Các khối ngành có thể sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá tư duy để xét tuyển đại học: Các khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ; Các khối ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng; Các khối ngành y, dược; Các khối ngành công nghiệp, nông nghiệp.
Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2022, cấu trúc và nội dung các phần thi trong Bài thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội đã được thiết kế theo hướng gọn nhẹ, hiện đại, xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học. Theo đó, tổng thời gian của Bài thi là 150 phút, bao gồm 100 câu hỏi trắc nghiệm cho 03 phần thi. Phần thi Tư duy Toán học có thời lượng là 60 phút, phần thi Tư duy Đọc hiểu có thời lượng là 30 phút và phần thi Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề có thời lượng là 60 phút.
Theo đó, tổng thời gian của bài thi gồm 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn trắc nghiệm trên máy tính.
Bài thi sẽ được tổ chức nhiều đợt thi trong năm, thí sinh dự thi sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng để xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu. Cấu trúc và nội dung bài thi Đánh giá tư duy sẽ được giữ ổn định trong nhiều năm tới.
Lịch thi Đánh giá tư duy năm 2025 cụ thể như sau:
Đợt 1: Ngày thi 18-19/01/2025; Ngày mở đăng ký 01-06/12/2024;
Đợt 2: Ngày thi 08-09/03/2025; Ngày mở đăng ký 01-06/02/2025;
Đợt 3: Ngày thi 26-27/04/2025; Ngày mở đăng ký 01-06/04/2025;