135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mùa tháng Năm Người lại trở về

Bài viết 'Hồ Chí Minh - Mùa tháng Năm Người lại trở về' không chỉ là nén tâm hương tưởng nhớ vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, mà còn là câu chuyện cảm động về tình hữu nghị Cuba-Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), báo điện tử Cubadebate, tờ báo có lượng truy cập lớn nhất Cuba, trân trọng đăng tải lại bài viết đặc biệt của cố nhà báo lão thành Marta Rojas, người đã có vinh dự là phóng viên nước ngoài cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1969.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, bài viết “Hồ Chí Minh - Mùa tháng Năm Người lại trở về” không chỉ là nén tâm hương tưởng nhớ vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, mà còn là câu chuyện cảm động về tình hữu nghị Cuba-Việt Nam.

Qua ngòi bút tài hoa của nữ ký giả từng trực tiếp có mặt ở chiến trường Việt Nam, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên chân thực: một con người vĩ đại mà giản dị, một trí tuệ uyên bác được tôi luyện từ gian khổ, và một trái tim luôn cháy bỏng niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.

Nhà báo Marta Rojas mở đầu bài viết: “Đúng vào sinh nhật lần thứ 78, một năm trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cho dân tộc mình và thế giới những vần thơ đầy khí phách:
“Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta.”

Ngày 19/5/1890, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi thực dân Pháp biến thành “địa ngục trần gian” với rượu cồn và thuốc phiện làm mê muội dân lành, cùng sưu cao thuế nặng đè nặng vai người dân, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời. Xuất thân từ gia đình nhà nho nghèo, cha là Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, cậu bé ấy sớm thấm nhuần tinh thần hiếu học và lòng yêu nước.

Tuổi trẻ của Người là hành trình “đi tìm hình của nước” đầy gian truân. Làm phụ bếp trên con tàu viễn dương, chàng thanh niên gầy guộc Nguyễn Tất Thành khiến thủy thủ bật cười khi nhận việc kéo những chiếc vạc đồng nặng trịch. Nhưng chính nơi đây, Người đã tự học thành thạo nhiều ngoại ngữ, đọc Shakespeare bằng tiếng Anh, say mê Victor Hugo bằng tiếng Pháp, nghiền ngẫm Tolstoy bằng tiếng Nga.

Đến Paris (Pháp), Nguyễn Ái Quốc, cái tên mang khát vọng giải phóng dân tộc, đã trở thành nhà báo, nhiếp ảnh gia tài năng, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Những năm tháng sống trong cộng đồng các dân tộc thuộc địa đã rèn giũa Người thành chiến sỹ quốc tế kiệt xuất.

Bị giam cầm trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, những vần thơ “Nhật ký trong tù” ra đời như bản hùng ca về ý chí: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao."

Năm 1941, sau 3 thập kỷ bôn ba, Người trở về lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng hòa bình chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam.

 Bài viết “Hồ Chí Minh - Mùa tháng Năm Người lại trở về” không chỉ tưởng nhớ vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam mà còn là câu chuyện cảm động về tình hữu nghị Cuba-Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Bài viết “Hồ Chí Minh - Mùa tháng Năm Người lại trở về” không chỉ tưởng nhớ vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam mà còn là câu chuyện cảm động về tình hữu nghị Cuba-Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong những ngày ác liệt nhất, Bác Hồ - vị “Cha già dân tộc” - vẫn viết báo cổ vũ đồng bào, tin tưởng mãnh liệt vào ngày toàn thắng. Di chúc Người để lại ngày 10/5/1969 như lời tiên tri: “Cuộc chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.” Và lịch sử đã chứng kiến Đại thắng mùa Xuân 1975, biến giấc mơ “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!” thành hiện thực.

Năm 1966, lãnh tụ Cuba Fidel Castro tuyên bố tại Lễ kỷ niệm Cách mạng Cuba: “Vì nhân dân Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng không chỉ đường mía, mà cả máu của mình, thứ quý giá hơn đường gấp bội!” Lời phát biểu ấy trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết anh em giữa hai dân tộc.

Đáp lại tấm lòng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc gặp với đồng chí Rául Castro tại Hà Nội đã nói: “Giữa Cuba và Việt Nam có khoảng cách rất xa, người này ngủ người kia thức. Trong quá khứ người ta nói về Đế quốc Anh rằng Mặt Trời không bao giờ lặn trên lá cờ nước Anh. Nhưng bây giờ phải nói rằng Mặt Trời không bao giờ lặn dưới lá cờ Cách mạng. Điều đó có nghĩa là hai quốc gia chúng ta đối cực về mặt địa lý, nhưng có sự đồng nhất hoàn toàn về mặt đạo đức."

Bài báo kết thúc bằng hình ảnh xúc động: 52 ngày trước khi qua đời, Bác Hồ gửi gắm qua nhà báo Marta Rojas, người nước ngoài cuối cùng được phỏng vấn Người: “Hãy nói với Cuba rằng tôi yêu mến nhân dân Cuba từ các lãnh đạo đến các cháu nhỏ, chúc các đồng chí mạnh khỏe.” Đó là tình cảm chân thành của một vĩ nhân đã dành trọn đời mình cho độc lập dân tộc và tình đoàn kết quốc tế.

Mỗi độ tháng Năm về, hình ảnh Bác Hồ lại sống mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế - người thầy vĩ đại của cách mạng, nhà văn hóa kiệt xuất, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thế kỷ XX./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/135-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-mua-thang-nam-nguoi-lai-tro-ve-post1039996.vnp
Zalo