131 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật ở Thanh Hóa
Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành thanh, kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm. Có 131 cán bộ, công chức phải xem xét xử lý kỷ luật.
Cụ thể, trong năm 2024, có 131 cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm, bị xử lý kỷ luật và 13 cán bộ, công chức viên chức phải kiểm điểm. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cảnh cáo 3 người; Sở Y tế khiển trách 33 người, cảnh cáo 3 người, cách chức 2 người, buộc thôi việc 2 người.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khiển trách 7 người; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khiển trách 4 người; thành phố Thanh Hóa khiển trách 1 người, cảnh cáo 1 người; huyện Nông Cống cảnh cáo 3 người; huyện Quan Hóa cảnh cáo 4 người, buộc thôi việc 2 người; huyện Hà Trung cảnh cáo 3 người, khiển trách 6 người, cách chức 1 người...
Trong năm 2024, Thanh Hóa có tốc độ phát triển kinh tế xã hội cao, thu ngân sách cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần được xử lý, nhất là khâu cán bộ, công, viên chức chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công việc.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Số lượt khách du lịch tuy tăng mạnh, nhưng tỷ trọng khách lưu trú thấp. Tiến độ thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm.
Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công của một số địa phương thiếu quyết liệt; năng lực một số đơn vị tư vấn, nhà thầu, ban quản lý dự án còn hạn chế; xảy ra sai phạm trong công tác đấu thầu; tiến độ chuẩn bị đầu tư của một số dự án còn chậm.
Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị vật tư y tế chưa được giải quyết dứt điểm; một số bệnh viện gặp khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ; tình trạng hành nghề y dược tư nhân không phép còn diễn biến phức tạp. Tai nạn lao động, nợ đóng bảo hiểm tại các doanh nghiệp còn xảy ra.
Công tác kiểm tra, giám sát tài nguyên, môi trường chưa kịp thời. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại một số địa phương còn chậm. Tình hình tôn giáo, an ninh xã hội tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Nguyên nhân là tình hình thế giới diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh, môi trường ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, đấu thầu phức tạp.
Công tác dự báo, nắm bắt tình hình của một số đơn vị chưa chủ động, chưa kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh. Công tác phối hợp giữa một số đơn vị chưa chặt chẽ, vẫn còn biểu hiện gây khó khăn, phiền hà.
Một số chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao, thiếu chủ động trong thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; năng lực của một số ban quản lý dự án còn hạn chế; một số nhà đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn thiếu tích cực, chưa thực hiện theo cam kết. Việc bảo đảm an toàn lao động tại một số doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động chưa được quan tâm đúng mức.
Theo Sở Nội vụ Thanh Hóa, qua theo dõi, kiểm tra cho thấy, hầu hết các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các phòng, ban, đơn vị, UBND cấp xã và cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Các đơn vị cơ bản thực hiện nghiêm túc việc định kỳ báo cáo kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Ngoài ra, người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã tăng cường chỉ đạo, quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý. Quán triệt việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Yêu cầu sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; rà soát, bổ sung nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao...