13 thứ trong nhà có thể gây mụn trứng cá mà ít ai ngờ tới
'Một ngôi nhà không gây ra mụn phải bắt đầu từ thói quen vệ sinh tốt và lựa chọn sáng suốt, từ cọ trang điểm đến vỏ gối', chuyên gia nói.
Bạn có biết nhiều đồ vật trong nhà có thể gây ra mụn hoặc làm tình trạng mụn của bạn trở nên tệ hơn? TS Karyn Grossman, bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu, người sáng lập Grossman Dermatology (trụ sở tại Santa Monica và New York, Mỹ), cho biết: “Chăm sóc da không chỉ là về sản phẩm mà còn là về lối sống và môi trường”.
Mặc dù bạn có thể đã nghe về những thủ phạm gây mụn khét tiếng nhất như gối ngủ và điện thoại, nhưng ngoài chúng ra, nhà bạn còn nhiều vật dụng gây mụn khác như khăn lau bát đĩa, nước hoa xịt phòng, đồ dùng văn phòng....
TS Asmi Berry, bác sĩ da liễu tại BHSkin Dermatology (ở Glendale, California, Mỹ) cho biết: "Một ngôi nhà không gây ra mụn phải bắt đầu từ thói quen vệ sinh tốt và lựa chọn sáng suốt, từ cọ trang điểm đến vỏ gối".
13 thứ trong nhà bạn có thể gây mụn trứng cá
Các chuyên gia da liễu chỉ ra nguy cơ phát triển mụn từ những vật dụng trong nhà và điều cần làm để giảm bớt nguy cơ này.
Gối ngủ
Gối giường là thứ có thể tiếp xúc với da mặt bạn suốt nhiều giờ mỗi đêm. TS Roger Kapoor, bác sỹ da liễu tại hệ thống y tế Beloit, giải thích rằng chất liệu của vỏ gối thường có xu hướng giữ lại độ ẩm, dầu và tế bào da chết. Đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển, sau đó, chúng có thể lây lan sang mặt, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn.
Chuyên gia lưu ý rằng, những người có thói quen ngủ nghiêng càng dễ gặp vấn đề này do tiếp xúc mặt với gối nhiều hơn. Để giảm thiểu tác động tiêu cực, TS Kapoor khuyên nên thay vỏ gối ít nhất mỗi tuần một lần và chọn vỏ gối làm từ sợi tự nhiên như cotton hoặc lụa. Chăn và ga trải giường cũng cần được giặt thường xuyên để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Gối sofa
Dù có thói quen giặt gối ngủ, bạn vẫn có thể bỏ qua những chiếc gối trên ghế sofa – một thủ phạm gây mụn trứng cá ít ai ngờ. Gối sofa thường tiếp xúc với nhiều người, thậm chí cả thú nuôi, lại hiếm khi được giặt và chăm sóc kỹ càng.
TS Corey L. Hartman, bác sỹ da liễu và là người sáng lập Skin Wellness Dermatology (Birmingham, thành phố Alabama, Mỹ) cho rằng gối sofa có thể là nguyên nhân gây mụn do bụi bẩn, dầu và vi khuẩn tích tụ theo thời gian.
Để giải quyết vấn đề này, bạn nên tránh áp sát mặt vào gối sofa và thường xuyên giặt hoặc hút bụi cho chúng. Sử dụng thuốc xịt khử trùng an toàn cho vải cũng là lựa chọn khả thi để giữ gối sofa luôn sạch sẽ.

Gối sofa có thể là nguyên nhân gây mụn do bụi bẩn, dầu và vi khuẩn tích tụ theo thời gian. (Ảnh: Getty Images)
Khăn tắm
Theo các bác sỹ da liễu, khăn tắm trong phòng tắm là nơi sinh sôi của các tác nhân gây mụn. Chuyên gia Kapoor khuyên giặt khăn tắm thường xuyên: "Khăn tắm tái sử dụng chắc chắn sẽ tích tụ vi khuẩn, dầu và da chết. Khi bám trở lại da, chúng có thể dễ dàng làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn".
Việc làm khô khăn ssau mỗi lần sử dụng cũng rất quan trọng. Chuyên gia Grossman cho biết: “Khăn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn nhọt hoặc bệnh tiết bã nhờn nếu chúng vẫn ẩm ướt vì độ ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển. Bạn nên sử dụng khăn nhẹ, khô nhanh hơn và đảm bảo chúng được đặt trong phòng thông gió tốt”.
Ngay cả khăn sạch, khô cũng có thể gây kích ứng. Chuyên gia Hartman giải thích rằng, mụn có thể xuất hiện do kết cấu thô ráp của khăn, có thể tạo ra ma sát và gây kích ứng da đồng thời gợi ý nên chọn vải mềm và nhẹ để tránh vấn đề này.
Khăn lau bát đĩa
Dù không được dùng áp trực tiếp vào mặt, khăn bếp cũng có thể là thủ phạm gây mụn trứng cá. Chuyên gia Kapoor cho biết: "Những chiếc khăn lau bát đĩa này chứa vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan sang mặt bạn và gây ra mụn trứng cá".
Điều quan trọng là bạn không được lau tay bằng khăn lau bát đĩa, vì có thể bạn chạm tay lên mặt ngay sau đó.
Nước máy
Theo khảo sát của Chính phủ Mỹ, nước cứng có thể tác động xấu đến làn da của bạn. “Nước cứng chứa hàm lượng canxi và magiê cao làm tắc nghẽn lỗ chân lông, trong khi clo trong nước máy loại bỏ dầu tự nhiên khỏi da, dẫn đến sản xuất nhiều dầu hơn và hình thành mụn trứng cá”, Kapoor giải thích.
Chuyên gian khuyên bạn nên rửa mặt bằng vòi hoa sen đã lọc nước, sử dụng chất làm mềm nước hoặc sử dụng kem dưỡng ẩm tốt sau khi rửa mặt để cân bằng bất kỳ tác động làm khô nào từ nước cứng.
Nước cứng có thể để lại cặn khoáng chất trên tóc và da của bạn. Chuyên gia Berry khuyên: “Bạn có thể cải thiện điều này bằng cách tẩy tế bào chết hoặc cân nhắc sử dụng bộ lọc làm mềm nước khi tắm”.
Nước hoa xịt phòng
“Các chất làm mát không khí có hương thơm và hóa chất thường có thể gây kích ứng da, gây ra phản ứng dị ứng, viêm hoặc nhạy cảm với da, dẫn đến mụn”, chuyên gia Hartman giải thích.
Để giúp giảm nguy cơ kích ứng và mụn, bạn hãy thử các loại tinh dầu thay thế hoặc các sản phẩm không có mùi thơm và sử dụng chúng ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, bạn nên mở cửa sổ hoặc sử dụng máy lọc không khí và vệ sinh không gian sống thường xuyên.
Một giải pháp dễ dàng khác là sử dụng máy lọc không khí có bộ lọc HEPA, có thể loại bỏ các hạt nhỏ, mùi, bụi, gàu, v.v. và không thải bất kỳ thứ gì vào không khí có thể làm bạn khó chịu.
Nến thơm
Không phải tất cả nến đều là thủ phạm gây mụn trứng cá, mà một số loại nến có khả năng gây mụn cao hơn. Chuyên gia Hartman cho biết: "Một số loại nến thơm có thể giải phóng hóa chất và muội than vào không khí khi đốt, có thể gây kích ứng da, làm tắc nghẽn lỗ chân lông hoặc gây ra phản ứng dị ứng".
Để giảm thiểu nguy cơ này, bạn có thể chọn nến có hương thơm tự nhiên, đốt nến ở những nơi thông gió tốt và cố gắng hạn chế sử dụng nến. Theo các bác sỹ da liễu, nến parafin là thủ phạm lớn nhất, nên bạn hãy chọn nến sáp tự nhiên, như nến làm từ sáp ong, đậu nành hoặc dừa.
Nước giặt
Nước giặt thường có hóa chất, thuốc nhuộm và hương liệu có thể gây kích ứng da, có thể dẫn đến mụn. Sự tích tụ của chất tẩy rửa trên quần áo, khăn trải giường hoặc khăn tắm cũng có thể góp phần gây tắc nghẽn lỗ chân lông và kích ứng.
Chuyên gia Hartman khuyên: “Để giúp giảm kích ứng và mụn, tôi khuyên bạn nên chọn chất tẩy rửa không mùi hoặc không gây dị ứng. Hãy thử chất tẩy rửa nhẹ nhàng hoặc tự nhiên, tránh chất làm mềm vải và xả sạch quần áo".
Chúng ta cũng đừng nhầm lẫn giữa “không có mùi thơm” với “không mùi” vì “không mùi” “vẫn có thể chứa các hóa chất có thể gây kích ứng da của bạn. Những thứ khác cần chú ý là các hóa chất như natri lauryl sulfat (SLS) và natri laureth sulfat (SLES), có thể để lại cặn trên quần áo gây kích ứng da. Bạn có thể tìm thấy các sản phẩm "không chứa SLS"

Cần lựa chọn loại nước giặt phù hợp để tránh gây mụn. (Ảnh: Getty Images)
Thiết bị tập thể dục
Những người sử dụng phòng tập thể dục tại nhà cần lưu ý vì môi trường nóng của phòng tập thể dục thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn. Việc da bạn tiếp xúc với thiết bị và bề mặt phòng tập thể dục có thể gây ra mụn trứng cá.
Grossman nói thêm: "Hãy sử dụng thảm tập thể dục của riêng bạn và vệ sinh chúng thường xuyên. Đối với thiết bị tập thể dục, hãy mang theo khăn lau để lau sạch trước khi sử dụng". Ngoài ra, Grossman gợi ý bạn nên rửa mặt và thay quần áo tập luyện đẫm mồ hôi càng sớm càng tốt.
Lông thú cưng
Chuyên gia Kapoor cho biết: “Bản thân lông thú cưng không gây ra mụn trứng cá, nhưng lông thú cưng chứa bụi bẩn, vi khuẩn và gàu có thể bám vào mặt bạn và gây ra mụn trứng cá”.
Nếu thú cưng của bạn rụng lông, hãy hút bụi thường xuyên bằng máy hút bụi có bộ lọc HEPA và chải chuốt cho người "bạn lông lá". Bạn nên giữ chúng tránh xa khuôn mặt của bạn (điều này có thể khó thực hiện), tránh xa gối của bạn và giữ tay bạn sạch sẽ sau khi ôm thú cưng.
Văn phòng phẩm
Bạn hãy cố gắng không chạm vào mặt khi làm việc tại văn phòng tại nhà. Chuyên gia Kapoor cho biết: “Các vật dụng văn phòng như bàn phím, chuột, bút, điện thoại bàn đều tích tụ vi khuẩn có thể tiếp xúc với ngón tay của bạn và sau đó dễ dàng lây lan sang mặt chúng ta. Hãy nhớ khử trùng những khu vực này thường xuyên”.
Cọ trang điểm
Ngoài lớp trang điểm, cọ trang điểm của bạn có thể khiến tình trạng mụn của bạn trở nên tồi tệ hơn. Chuyên gia Grossman cho biết: “Cọ trang điểm là một trong những thứ khiến tôi khó chịu nhất. Chúng ở trên mặt bạn, được đặt trong lớp trang điểm, bị ném vào túi, rơi trên sàn, dùng chung với bạn bè..., nhưng nhiều bệnh nhân nói với tôi rằng họ chưa bao giờ, chưa bao giờ rửa cọ”.
Bạn nên vệ sinh cọ thường xuyên và không dùng chung với người khác. Vi khuẩn, dầu và cặn trang điểm tích tụ trên cọ bẩn có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến mụn. Hãy rửa sạch cọ kem nền và kem che khuyết điểm hàng tuần, trong khi cọ phấn phủ nên được vệ sinh 2 tuần một lần. Bạn có thể sử dụng chất tẩy rửa cọ nhẹ nhàng và đảm bảo cọ của bạn khô hoàn toàn để tránh nấm mốc.
Điện thoại
Điện thoại đã nổi tiếng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá ở má và xương hàm, thậm chí từ rất lâu trước khi điện thoại di động ra đời. Phần lớn nguyên nhân này liên quan đến áp lực của điện thoại lên da bạn.
Điện thoại thông minh còn gây ra vấn đề lớn hơn. Các ngón tay của chúng ta luôn cầm điện thoại và đầu ngón tay của chúng ta chứa rất nhiều dầu. Khi chúng ta đưa điện thoại lên má, chúng ta có thể giữ lại mồ hôi và truyền một ít nhiệt, khiến da chúng ta bị nổi mụn.
Chuyên gia Berry khuyên rằng: “Để giảm thiểu rủi ro, hãy lau điện thoại hàng ngày bằng chất khử trùng có cồn và sử dụng loa ngoài hoặc đeo tai nghe để giảm thiểu tiếp xúc”.