127 dự án, công trình vốn Nhà nước chậm tiến độ, sử dụng không hiệu quả tại Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với nhiều dự án và công trình sử dụng ngân sách Nhà nước chưa phát huy được hiệu quả.
Loạt công trình không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả
Ngày 19/1, ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có báo cáo gửi Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh về tình hình các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, đặc biệt là những dự án tồn đọng, dừng thi công, và các trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.
Theo đó, hiện tại có 59 dự án, công trình đang ở trạng thái không sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả hoặc không hiệu quả. Danh mục này bao gồm các trụ sở, điểm trường, và tài sản công không sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Cầu Tam Giang, một dự án chưa hoàn thành ở huyện Núi Thành.
Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Nam Hưng đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh giao Đảng ủy Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xử lý các dự án theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, có 55 dự án hiện đang trong tình trạng chậm tiến độ. Đối với nhóm dự án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh giao Đảng ủy các chủ đầu tư, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy tiếp tục rà soát các mục tiêu đầu tư, hiệu quả các hạng mục đã triển khai.
Cụ thể, các đơn vị phải xác định điểm dừng kỹ thuật của dự án, xin chủ trương kết thúc nếu cần thiết, đồng thời thực hiện quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời gian quy định. Trong trường hợp chưa đạt hiệu quả đầu tư, cần rà soát các hạng mục cấp thiết và gia hạn thời gian thực hiện để bổ sung vốn đầu tư cho các hạng mục còn lại.
Trên địa bàn tỉnh có 12 dự án hiện đang dừng thi công, và đối với nhóm dự án này, đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh giao Đảng ủy các chủ đầu tư, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy lãnh đạo rà soát mục tiêu và hiệu quả đầu tư các hạng mục đã triển khai. Các đơn vị cần xác định rõ hiệu quả của các hạng mục chưa thực hiện và đề xuất giải pháp tiếp tục đầu tư, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của dự án.
Đặc biệt, có một dự án đã được phê duyệt quyết toán nhưng chưa thu hồi được số vốn thanh toán vượt quyết toán. Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh giao Đảng ủy cơ quan chủ đầu tư thực hiện thu hồi số vốn thanh toán vượt quyết toán, nộp vào ngân sách Nhà nước. Nếu đơn vị thi công không thực hiện nghĩa vụ, các chủ đầu tư cần khởi kiện ra tòa án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Các địa phương nào có nhiều dự án tồn đọng nhất?
Một trong những nhóm dự án đáng chú ý là các dự án chậm tiến độ của Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh. Trong đó, nổi bật là các công trình như Cải tạo, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, cùng các dự án cấp điện nông thôn và hồ chứa nước Lộc Đại tại huyện Quế Sơn. Những dự án này cần được đặc biệt quan tâm và triển khai đúng tiến độ để không ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng.

Hồ chứa nước Lộc Đại tại huyện Quế Sơn.
Báo cáo cũng chỉ ra các huyện, thị xã, thành phố có số lượng dự án tồn đọng và chậm tiến độ lớn. Cụ thể, huyện Nam Giang đứng đầu với 22 dự án, công trình không sử dụng, chậm tiến độ, bao gồm các công trình như Phòng giáo dục và Đào tạo Nam Giang, trụ sở làm việc của phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhà làm việc trạm kỹ thuật nông lâm nghiệp và nhiều công trình khác.
Huyện Núi Thành cũng có có 22 công trình, dự án như kiên cố hóa hệ thống đường huyện ĐH2022; cầu Tam Giang; Khu tái định cư Tam Hiệp; Khu dân cư khối 2, thị trấn Núi Thành; Hệ thống nước sạch xã Tam Hòa, Khu tái định cư thôn Hòa An, xã Tam Giang…
Trong khi đó, huyện Hiệp Đức có 14 dự án không sử dụng hoặc chậm tiến độ, bao gồm cầu Ồ Ồ và đường nội thị phía Bắc thị trấn Tân An, cụm công nghiệp Quế Thọ 3, và các điểm trường như thôn An Cường, Nhứt Đông.
UBND huyện Bắc Trà My cũng có 11 công trình như trụ sở UBND huyện cũ, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm dạy nghề cũ, và trung tâm bảo hiểm xã hội cũ…