Loại thuốc nào không được uống cùng cà phê?
Cà phê chứa caffeine và các chất khác có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ, sử dụng và phân hủy một số loại thuốc, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ hoặc giảm tác dụng điều trị bệnh…
Dưới đây là một số loại thuốc nên tránh dùng hoặc cần uống riêng biệt với việc uống cà phê:
1. Thuốc chống đông máu không nên uống cùng cà phê
Thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) là thuốc ngăn ngừa hoặc làm giảm cục máu đông. Đối với những người có nguy cơ cao bị cục máu đông, thường phải dùng thuốc chống đông máu hàng ngày, ví dụ như warfarin, heparin…
Theo thông tin đăng trên trang verywellhealth, caffeine làm tăng nồng độ của các thuốc này, làm tăng cường tác dụng của thuốc. Do đó những người thường xuyên tiêu thụ caffeine trong khi dùng thuốc chống đông máu có nguy cơ chảy máu cao hơn.
2. Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm được sử dụng điều trị chứng trầm cảm, lo âu và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Cà phê có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của cơ thể đối với thuốc trị trầm cảm. Theo đó, uống nhiều cà phê khi dùng thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm lượng thuốc mà cơ thể hấp thụ, làm giảm hiệu quả của thuốc.
Các thuốc chống trầm cảm bị thay đổi bởi caffeine bao gồm fluvoxamine, escitalopram, amitriptyline, imipramine… Dùng fluvoxamine với cà phê có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của caffeine như hồi hộp tim và các vấn đề về giấc ngủ.

Cà phê chứa caffeine có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ như bồn chồn, hồi hộp hoặc giảm hiệu quả của thuốc.
3. Thuốc chống loạn thần
Các thuốc chống loạn thần như: Abilify (aripiprazole), compro (prochlorperazine), haldol (haloperidol)… được sử dụng để điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng như rối loạn trầm cảm nặng và tâm thần phân liệt. Uống những loại thuốc này với cà phê có thể khiến cơ thể hấp thụ ít thuốc hơn (giảm tác dụng của thuốc). Để khắc phục bạn có thể uống thuốc cách xa khoảng cách uống cà phê.
4. Thuốc điều trị hen suyễn
Hen suyễn là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến phổi và đường thở, gây khó thở, ho mạn tính và thở khò khè. Thuốc giãn phế quản (trị hen suyễn) giúp thư giãn đường thở, người bệnh thở dễ dàng hơn. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm bồn chồn, tim đập nhanh, đau đầu và cáu kỉnh… Caffeine có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ này và làm giảm lượng thuốc hấp thụ. Do đó, tránh uống cà phê khi cần sử dụng thuốc giãn phế quản.
5. Thuốc huyết áp
Tăng huyết áp (hay huyết áp cao) là một tình trạng sức khỏe mạn tính phổ biến, nếu không được điều trị, có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ. Thuốc trị tăng huyết áp như propranolol, metoprolol… hoạt động bằng cách làm giảm nhịp tim và giảm áp lực lên tim. Uống cà phê cùng lúc với việc uống các thuốc huyết áp này có thể khiến cơ thể không hấp thụ được đầy đủ thuốc.
6. Thuốc ức chế cholinesterase trị Alzheimer và chứng mất trí
Caffeine trong cà phê có tác động nghiêm trọng đến thuốc điều trị Alzheimer và chứng mất trí (thuốc ức chế cholinesterase). Thuốc điều trị bệnh Alzheimer như donepezil tác động trực tiếp lên não, giúp bảo vệ chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Uống cà phê với những loại thuốc này làm giảm hiệu quả của chúng. Bên cạnh đó, caffeine cũng làm giảm lượng thuốc đến não.
7. Thuốc cảm và dị ứng (pseudoephedrine)
Pseudoephedrine là thành phần thường thấy trong thuốc điều trị dị ứng hoặc các triệu chứng cảm lạnh. Đây là chất kích thích hệ thần kinh và có nhiều tác dụng tương tự như cà phê. Dùng pseudoephedrine với cà phê có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ như bồn chồn, hồi hộp và khó ngủ. Do đó, không uống cà phê khi dùng sudafed (pseudoephedrine) hoặc allegra (fexofenadine).

Những người đang dùng một số loại thuốc nhất định hoặc có tình trạng sức khỏe cụ thể có thể cần hạn chế hoặc tránh uống cà phê.
8. Thuốc trị đái tháo đường
Nghiên cứu cho thấy caffeine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của đái tháo đường và ảnh hưởng đến glucose (đường máu). Uống nhiều caffeine có thể làm tăng lượng đường trong máu và insulin (hormone điều chỉnh lượng đường trong máu). Uống quá nhiều cà phê có thể khiến việc kiểm soát đái tháo đường trở nên khó khăn hơn.
9. Thuốc methotrexat
Methotrexat là một loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng trong điều trị ung thư, viêm khớp dạng thấp… Caffeine ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ methotrexate, vì vậy uống cà phê trong khi dùng thuốc này có thể khiến nồng độ trong máu cao hơn, có thể làm tăng độc tính của thuốc.
10. Thuốc điều trị loãng xương
Loãng xương xảy ra khi xương giảm mật độ và khối lượng khoáng chất, trở nên mỏng, giòn, dễ gãy… Thuốc điều trị loãng xương như ibandronate, risedronate giúp xương chắc khỏe, giảm nguy cơ gãy xương. Uống cà phê với những loại thuốc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thuốc, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
11. Thuốc kháng sinh quinolone
Thuốc kháng sinh quinolone như ciprofloxacin điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Khi dùng với caffeine, quinolone có thể làm tăng tác dụng của caffeine và làm tăng nguy cơ tác dụng phụ như hồi hộp và bồn chồn. Do đó, tránh uống cà phê hoặc các đồ uống có chứa caffeine khác khi dùng loại thuốc kháng sinh này.
12. Thuốc tuyến giáp
Thuốc tuyến giáp hoạt động bằng cách điều chỉnh lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể, thường dùng cho người bị suy giáp (có mức hormone tuyến giáp thấp do tuyến giáp không sản xuất đủ). Uống cà phê khi dùng thuốc tuyến giáp như levothyroxine có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Caffeine làm giảm một nửa khả năng hấp thụ thuốc tuyến giáp của cơ thể.
Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào được liệt kê ở trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ/dược sĩ xem có nên hạn chế hoặc tránh uống cà phê không. Bác sĩ/dược sĩ có thể tư vấn thay đổi thời gian uống cà phê hoặc uống thuốc theo đơn hoặc cũng có thể đề nghị tránh uống cà phê trong khi dùng thuốc.