12 lô đất chuyển nhượng, sử dụng sai mục đích tại Bộ Giao thông Vận tải
Chỉ ra 12 lô đất chuyển nhượng, sử dụng sai mục đích tại Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông Vận tải.
Theo kết luận thanh tra, trong việc chuyển đổi đất sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở có đến 12 lô đất, cơ sở đất do các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải quản lý vướng sai phạm.
Một là cơ sở nhà đất số 108-112B-114 đường Hồng Hà (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM), được Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP.HCM cho doanh nghiệp thực hiện khu nhà ở thương mại khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cơ quan thanh tra cho rằng dự án xây dựng khu thương mại căn hộ cao cấp chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và xác định giá đất, chưa nộp tiền sử dụng đất đã hợp tác liên doanh và đầu tư xây dựng, bán căn hộ cho người dân và người dân đã vào ở là chưa chấp hành đúng trình tự đầu tư xây dựng theo quy định.
Hai là cơ sở nhà đất 11.276m2 tại cụm 9 (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty Đầu tư và Xây dựng nhà ở được lập phương án sử dụng đất. Việc này bị đánh giá làm không đúng về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.
Ba là cơ sở nhà đất tại số 1 bến Vân Đồn (Quận 4, TP.HCM) Công ty CP Đại lý hàng hải Việt Nam thực hiện góp vốn ban đầu cũng chưa đúng, chưa lập phương án cụ thể trình Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, phê duyệt.
Bốn là cơ sở đất 428 Nguyễn Tất Thành (Quận 4, TP.HCM), theo Thanh tra Chính phủ, Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Trung Thủy Lancaster thực hiện dự án căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ chưa đảm bảo đúng trình tự.
Năm là cơ sở đất 430 Nguyễn Tất Thành (Quận 4, TP.HCM) do Cảng Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4 là chủ đầu tư dự án. Cơ quan thanh tra cho rằng các đơn vị trên đã chuyển nhượng dự án trên đất theo hình thức thỏa thuận mà không tổ chức đấu giá.
Sáu là lô đất số 215 đường Lê Lợi (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) theo Thanh tra CHính phủ, khu này thuộc Cienco 4 nhưng bị Công ty mẹ của Cienco 4 chuyển nhượng cho Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp miền Trung, theo thỏa thuận thị trường mà không đấu giá là sai phạm.
Bảy là dự án chuyển nhượng đất tại số 14 Phan Chu Trinh (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) của Công ty CP Cầu 1 Thăng Long bị kết luận không xin phép ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính, không đấu giá theo quy định khi chuyển nhượng.
Tám là cơ sở nhà đất 16-18 Phan Chu Trinh (Hà Nội) của Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự, cơ quan thanh tra nhận định đã doanh nghiệp thực hiện góp vốn không đúng quy định; Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần khi chưa có ý kiến của các bộ, ngành; UBND TP Hà Nội thu hồi đất, giao đất, xác định tiền sử dụng đất chưa đúng theo quy định.
Chín là cơ sở nhà đất tại số 53 thị trấn Đông Anh (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) do Công ty TNHH MTV Ô tô 1/5 quản lý, sử dụng, cũng bị doanh nghiệp chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ kết luận Bộ Giao thông Vận tải thống nhất phương án di dời chưa đúng với hướng dẫn của Bộ Tài chính; UBND TP Hà Nội thu hồi đất, giao đất, xác định tiền sử dụng đất chưa đúng quy định.
Mười là cơ sở nhà đất tại km 9+500 Nguyễn Trãi (nay là 53 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được Nhà nước giao cho Công ty TNHH Liên doanh Ô tô Hòa Bình liên doanh với nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với thời gian sử dụng 30 năm.
Cơ quan thanh tra đánh giá cơ sở nhà đất này chưa được Bộ Giao thông Vận tải và Công ty TNHH Liên doanh Ô tô Hòa Bình thực hiệp sắp xếp nhà, đất theo quy định; UBND TP Hà Nội chuyển mục đích sử dụng đất và giao dự án cho doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính và chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền, xác định tiền sử dụng đất chưa đúng quy định.
Mười một là cơ sở nhà đất tại 44 Triều Khúc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) của Công ty CP Cơ khí ô tô Hòa Bình cũng được UBND TP Hà Nội cho phép doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng không theo đúng phương án được duyệt, không thu hồi và đấu giá đất cũng như xác định tiền sử dụng đất chưa đúng theo quy định.
Mời hai là cơ sở nhà đất 23.742m2 tại 199 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) của Nhà máy cơ khí công trình, khu đất từng được quy hoạch là đất an ninh do Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an) quản lý nhưng chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai.
Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm sai phạm tại 12 lô đất, cơ sở nhà đất nêu trên thuộc về Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an), Tổng Công ty Cienco và các doanh nghiệp liên quan.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội, TP.HCM cùng một số địa phương kiểm điểm để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong việc cho ý kiến đối với phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp khi cổ phần hóa.