11 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần II
Sáng 17/10, tại Hà Nội, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt đã tổ chức trao giải cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần II.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần II được Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt (Báo NTNN/Dân Việt) phát động từ ngày 26/4/2023 nhằm góp phần lan tỏa tình yêu, cảm xúc, ký ức, kỷ niệm về Thủ đô của những người đã, đang và sẽ gắn bó với "trái tim của cả nước".
Trong 4 tháng tổ chức, tính đến ngày 25/9, Ban Thư ký Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần II đã nhận được hơn 1.000 bài viết của độc giả, với hàng trăm tác phẩm chất lượng đã được đăng tải trên chuyên mục Hà Nội Hôm nay/Báo Điện tử Dân Việt.
Từ ngày 26/9, Ban Thư ký Cuộc thi Ký ức Hà Nội đã gửi 30 bài dự thi qua vòng sơ loại đến Ban Giám khảo. Ban Giám khảo chấm điểm theo thang điểm 10, tính đến 0,25 điểm. Các tác phẩm được lựa chọn xét giải tính theo tổng điểm của 7 vị Giám khảo, xét từ cao xuống thấp.
Sau hơn một tuần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan, Ban Giám khảo Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội đã chấm điểm, chọn ra 11 tác phẩm chất lượng để trao giải.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo cho hay, Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội được tổ chức như viết nên một trang sử mới.
"Một trang sử rất đẹp với những dấu tích còn lẩn khuất trong lòng dân. Chính người dân sẽ cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý giá, để tất cả mọi người hiểu thêm về Hà Nội, Thủ đô văn hiến.
Các bài viết thuần túy là những bài báo, chất văn chương ít, có bài ít chữ nhưng lại khắc họa được vẻ đẹp của Hà Nội rất bình dị, thân quen, tràn ngập yêu thương. Tôi rất ấn tượng", Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Giám khảo chia sẻ.
Tác phẩm "Một thời không quên, giáo sư nuôi lợn ở tầng 4 của khu tập thể" của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Nam Định) đoạt giải Nhất. Chia sẻ tại cuộc thi, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết, ai cũng ký ức, đẹp hoặc không đẹp. Những điều ấy nâng bước chúng ta và những thế hệ tương lai.
"Thế hệ trẻ giờ nói về ký ức những năm 70, 80, họ không biết và không hiểu hết được vì thế những người đi trước qua những câu chuyện kể lại, nói cho họ biết rõ hơn. Tôi đã ở Hà Nội từ lâu, có những câu chuyện tôi nhớ lắm như leng keng tàu điện, gánh hàng rong mùa thu, cảnh chia thịt lợn tết, cá tết tại vùng ngoại thành Hà Nội. Tôi nhớ lắm. Chúng ta không nói, không lưu lại những thứ đó thì sẽ mất. Thời bao cấp khó khăn đấy nhưng cái tình, cái chất của con người sống với nhau quý lắm", ông Thịnh chia sẻ.
Hai tác phẩm đoạt giải Nhì bao gồm: Tác phẩm Kỷ niệm gần 30 năm gắn bó với cụ rùa Hồ Gươm của PGS Hà Đình Đức (TP.Hà Nội) và Phiếu bé ngoan - một thời và mãi mãi của tác giả Lê Hồng Quang (TP.Hà Nội).
Ba tác phẩm đoạt giải Ba gồm: Món nợ ân tình với bà chủ trọ phố Đê La Thành của tác giả Vũ Văn Tặng (Bà Rịa Vũng Tàu); Cuộc gặp gỡ xúc động giữa cựu binh Mỹ và ông chủ quán cà phê ở Bát Tràng của tác giả Nguyễn Thị Thu (Hà Tĩnh); Thiêng liêng buổi lễ thượng cờ, hạ cờ của tác giả Ngô Đức Quang (Quảng Ngãi).
Năm tác phẩm đoạt giải Khuyến khích gồm: Một vùng ngoại thành Thủ đô ngày ấy, bây giờ của tác giả Nguyễn Văn Ất (TP.Hà Nội); Sống ở "phố nhà binh" của tác giả Lữ Thị Mai (TP.Hà Nội); Chiếc bảng đen chan chứa tình cảm ở khu tập thể của tác giả Huỳnh Thị Ánh Tuyết (TP.Hồ Chí Minh); Giao thông Thủ đô những năm thập niên 90 của tác giả Trần Hữu Minh (TP.Hồ Chí Minh); Cô sinh viên xứ Nghệ và những ký ức nặng lòng về Thủ đô tác giả Lê Thị Thương Huyền (Hà Tĩnh).
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.