100 người bệnh u não, đột quỵ đầu tiên 'hồi sinh' nhờ Robot AI duy nhất tại Việt Nam
Sau một năm triển khai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công 100 ca mổ u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não đầu tiên bằng Robot AI Modus V Synaptive duy nhất tại Việt Nam, người bệnh 'hồi sinh' ngoạn mục.
Chị Thúy (42 tuổi, TP. Thủ Đức) là một trong hơn 100 bệnh nhân đầu tiên được mổ u não bằng Robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, chị đến khám trong tình trạng mù mắt phải, thị lực mắt trái chỉ 2.10.
Kết quả chụp MRI 3 Tesla sọ não kết hợp chụp bó sợi thần kinh (DTI) ghi nhận một khối u màng não ở vùng tuyến yên và trên tuyến yên khá lớn, phát triển đè lên và ôm trọn dây thần kinh thị giác khiến bệnh nhân mù mắt phải và giảm thị lực mắt trái nghiêm trọng. Nếu không phẫu thuật kịp thời, khối u tiếp tục chèn ép nơi hội tụ của hai dây thần kinh thị giác, người bệnh có nguy cơ mù cả hai mắt.
Nhờ Robot AI và các trang thiết bị hiện đại như hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation Curve, BrainLAB thế hệ mới, kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900 tích hợp AI... các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u, bảo toàn các cấu trúc mạch máu nằm trong và xung quanh cho bệnh nhân.
"Chúng tôi không kỳ vọng phục hồi được mắt bên phải vì bệnh nhân mù khá lâu. Tuy nhiên, kỳ tích xảy ra, ngay trong ngày phẫu thuật, mắt phải người bệnh đã nhìn thấy loáng thoáng", ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, kỷ lục gia châu Á, người đầu tiên mổ não bằng Robot AI tại Việt Nam, cho biết.
Sau 24 giờ mổ, thị lực của chị Thúy đã hồi phục đáng kể. Chị có thể nhìn rõ bằng mắt trái, mắt phải cũng đã nhìn thấy và đếm được các ngón tay của bác sĩ.
Tại buổi tọa đàm công bố 100 ca mổ não đầu tiên bằng Robot AI của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh ngày 22.12, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ tự hào và xúc động khi chia sẻ lại những khoảnh khắc hồi sinh của người bệnh.
Có người nhìn rõ trở lại sau thời gian dài mù hẳn như chị Thúy, có người đi lại được sau nhiều năm yếu liệt nằm một chỗ. Nhiều đứa trẻ mới 4, 5 tuổi mắc u não nguy hiểm, cận kề cái chết, đã được cứu sống trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân.
Với kỹ thuật mổ não truyền thống, bác sĩ không thể quan sát tổng thể các cấu trúc bên trong não, bao gồm khối u, khối máu tụ và các cấu trúc lành, trên cùng một hình ảnh. Điều này khiến bác sĩ khó tránh khỏi việc làm tổn thương các cấu trúc quan trọng khi đưa dụng cụ vào não hay tủy sống.
Bác sĩ chỉ có quỹ thời gian hạn hẹp ở thời điểm đang mổ để ra quyết định, không chủ động định vị được đường mổ an toàn trước. Do đó, phẫu thuật viên có nhiều nguy cơ phạm phải các bó sợi thần kinh, cấu trúc não lành hoặc làm vỡ thêm mạch máu lớn. Người bệnh có nguy cơ đối mặt khiếm khuyết chức năng thần kinh, di chứng không thể tránh khỏi.
Robot AI và hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh siêu hiện đại giúp bác sĩ có thêm “những con mắt thần” để nhìn thấy được toàn diện cấu trúc não hoặc tủy sống bao gồm cả khối u, khối máu tụ trên cùng một hình ảnh không gian 3 chiều (3D). Đồng thời, công nghệ AI còn chỉ ra các con đường tiếp cận khối u, khối máu tụ mà không làm tổn thương các bó sợi thần kinh hay vùng não, vùng tủy lành.
Từ đó, Robot AI cho phép bác sĩ mổ mô phỏng “thực tế ảo” trước trên phần mềm chuyên dụng. Bác sĩ sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu các phương án và đưa ra quyết định lựa chọn vị trí mở hộp sọ, đường tiếp cận vào bên trong sọ não, tủy sống của người bệnh theo cách hiệu quả, thuận tiện và an toàn nhất.
Xem thêm video Robot AI hỗ trợ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh mổ mô phỏng trước khi tiến hành ca mổ chính thức:
Bên cạnh Robot AI phẫu thuật thần kinh, sọ não, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh tiếp tục trang bị các thiết bị chuyên sâu nhiều lĩnh vực, đồng bộ để phục vụ mở rộng mổ não và tủy sống ở nhiều bệnh lý hơn. Điển hình như hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation Curve, BrainLAB thế hệ mới ứng dụng AI giúp định vị và phân biệt ranh giới tổn thương chính xác; kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900 tích hợp AI và tính năng chụp huỳnh quang 3D giúp bác sĩ thấy rõ mọi ngóc ngách trong não; hệ thống điện thế gợi thần kinh theo dõi chức năng thần kinh trong lúc mổ; máy siêu âm Cusa giúp đánh nhỏ và hút u; ống kỹ thuật Brain Path hút máu tụ, keo cầm máu chuyên dụng cho mạch máu vỡ…
Các công nghệ này giúp khắc phục nhược điểm của kỹ thuật mổ não truyền thống, bảo toàn tối đa chức năng thần kinh, hạn chế di chứng sau phẫu thuật cho người bệnh.
“Mổ não, tủy sống bằng Robot AI Modus V Synaptive giúp người bệnh giảm 20% thời gian phẫu thuật, giảm 40% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng máu mất trong phẫu thuật, trong khi chi phí điều trị có thể thấp hơn 40 lần so với phẫu thuật tại Mỹ”, bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.