10 tổ công tác đặc biệt của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội kết thúc hoạt động sau 9 tháng làm việc
Từ ngày 14/2, 10 tổ công tác đặc biệt của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã kết thúc nhiệm vụ sau khoảng 9 tháng làm việc.

Từ ngày 14/2, kết thúc nhiệm vụ của 10 tổ công tác đặc biệt thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội.
Ngày 16/2, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, từ ngày 14/2, 10 tổ công tác đặc biệt của đơn vị này đã kết thúc nhiệm vụ sau khoảng 9 tháng làm việc.
10 tổ công tác đặc biệt được triển khai từ tháng 5/2024, đã có những đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát tình hình giao thông và giữ vững an ninh trật tự.
Sự kết hợp giữa cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động trong tuần tra, kiểm soát giúp xử lý vi phạm hiệu quả, phát hiện, đấu tranh với nhiều loại tội phạm trên địa bàn. Đồng thời tạo chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.
Những đóng góp quan trọng của tổ công tác đặc biệt Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội
Theo thống kế, giai đoạn từ ngày 16/5/2024 đến 14/2/2025, 10 tổ công tác đặc biệt đã xử lý hơn 37.500 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 30 tỉ đồng, tạm giữ hơn 7.800 phương tiện vi phạm; tước gần 1.600 giấy phép lái xe.
Trong đó, đã xử lý 34.600 trường hợp không đội mũ bảo hiểm; hơn 700 trường hợp vượt đèn đỏ; hơn 1.400 trường hợp đi ngược chiều.
Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội thông tin: "Trong thời gian thực hiện kế hoạch, 10 tổ công tác đặc biệt đã xử lý 42 vụ việc, trong đó có 7 vụ hình sự, 15 vụ ma túy, 9 vụ giấy phép lái xe nghi giả, 2 vụ giấy tờ xe nghi giả, 7 vụ biển kiểm soát không trùng số khung, số máy, xe nghi tang vật trộm cắp, 2 vụ việc khác".
Căn cứ tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định về nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông như sau:
1. Xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc huy động thì Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm xây dựng kế hoạch. Trường hợp Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định việc huy động thì Phòng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm xây dựng kế hoạch. Trường hợp Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc huy động thì Đội Cảnh sát giao thông, trật tự thuộc Công an cấp huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch;
2. Thời gian xây dựng kế hoạch và nội dung của kế hoạch
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định huy động, các đơn vị Cảnh sát giao thông quy định tại điểm a Khoản này phải xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền đã ra quyết định huy động ban hành để tổ chức triển khai thực hiện;
3. Chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
4. Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Trước đó, ngày 14/5/2024, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội thành lập 5 tổ công tác đặc biệt gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động phối hợp với công an 12 quận trên địa bàn Hà Nội.
Gần 2 tháng sau, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội tiếp tục thành lập thêm 5 tổ công tác đặc biệt nữa tăng tổng số lên 10 tổ công tác đặc biệt để xử lý vi phạm giao thông.
Theo đó, 10 tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm như: không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng; giả dạng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật điều khiển xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp...