10 tháng, Việt Nam chi 312,28 tỷ USD để nhập hàng hóa, nguyên liệu
Sáng 13-11, Bộ Công thương thông tin tới báo chí, 10 tháng, Việt Nam đã chi tới 312,28 tỷ USD (tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước) để nhập khẩu và chiếm 89% là nhóm hàng nhập khẩu về để phục hồi sản xuất.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10-2024 đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu tháng 10 năm nay tăng 13,6% (chủ yếu nhờ mức tăng 18,6% của khu vực kinh tế trong nước, trong khi khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,7%).
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là 312,28 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong số các mặt hàng nhập khẩu, có 42 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 92,1% tổng kim ngạch nhập khẩu, với 4 mặt hàng vượt 10 tỷ USD, chiếm 48,3%.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhờ sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm có sự chuyển biến, với 89% kim ngạch nhập khẩu là nhóm hàng phục vụ sản xuất trong nước.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 88,25 tỷ USD, tăng 23,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 39,7 tỷ USD, tăng 17%. Các mặt hàng như thép, cao su và nguyên phụ liệu dệt may, da giày cũng tăng mạnh, với mức tăng lần lượt là 23,2%, 30,1% và 19,3%.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng qua, với kim ngạch nhập khẩu đạt 117,7 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Bộ Công thương cũng báo cáo, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10-2024 đạt 35,59 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa tháng 10-2024 tiếp tục thặng dư 1,99 tỷ USD, đưa tổng mức xuất siêu của Việt Nam trong 10 tháng lên 23,31 tỷ USD, hỗ trợ đáng kể cho sự ổn định kinh tế vĩ mô.