10 loại rau giàu chất sắt
Việc thiếu hụt sắt có thể gây thiếu máu thiếu sắt và ảnh hưởng tới lưu lượng oxy đến não. Một số loại rau giàu chất sắt và các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể giúp bổ sung sự thiếu hụt này.
1. Sắt quan trọng thế nào trong cơ thể?
Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hemoglobin, một loại protein trong tế bào hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến các bộ phận khác của cơ thể. Nồng độ sắt đầy đủ đảm bảo các mô và cơ quan nhận đủ oxy để hoạt động bình thường, hỗ trợ mức năng lượng tổng thể và ngăn ngừa mệt mỏi.
Sắt cũng rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất của tế bào, chức năng miễn dịch và phát triển nhận thức. Nếu không có đủ sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh, dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, có thể gây ra các triệu chứng như yếu, da nhợt nhạt và khó thở. Do đó, duy trì nồng độ sắt đầy đủ là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tốt.
2. Một số loại rau giàu chất sắt bổ sung cho cơ thể
Dưới đây là một số loại rau giàu chất sắt tự nhiên, chất dinh dưỡng thiết yếu và cách bổ sung chúng vào chế độ ăn hàng ngày.
- Rau bina: Rau bina được biết đến với hàm lượng chất sắt cao, cung cấp khoảng 3,6mg sắt trên 100 gram. Loại rau này cũng giàu vitamin A và C, giúp tăng cường hấp thụ sắt.
Có nhiều cách để sử dụng như: Ăn sống trong món salad, xay thành sinh tố hoặc nấu chín. Để tăng cường hấp thụ chất sắt, hãy kết hợp rau bina với nguồn thực phẩm giàu vitamin C, chẳng hạn như trái cây họ cam quýt hoặc ớt chuông...
- Cải xoăn: Cải xoăn là một loại rau lá xanh giàu dinh dưỡng, cung cấp khoảng 1,5mg sắt trên 100 gram. Cải xoăn cũng giàu vitamin A, C và K. Để hấp thụ chất sắt tốt hơn, hãy cân nhắc việc trộn cải xoăn với một chút nước cốt chanh hoặc giấm trước khi ăn sống trong món salad. Nấu cải xoăn bằng cách hấp hoặc xào có thể giúp giữ lại giá trị dinh dưỡng của rau.
- Củ cải đường: Củ cải đường cung cấp khoảng 0,8mg sắt trên 100 gram. Mặc dù lượng này tương đối khiêm tốn so với một số loại rau giàu chất sắt khác, nhưng vẫn góp phần vào tổng lượng sắt hấp thụ, đặc biệt là khi được đưa vào chế độ ăn uống đa dạng.
- Súp lơ xanh: Súp lơ xanh chứa khoảng 0,7mg sắt trên 100 gram và cũng giàu vitamin C, K, chất xơ và folate. Vitamin C trong súp lơ xanh giúp tăng cường hấp thụ chất sắt không heme (có trong thực vật). Súp lơ xanh có thể được hấp, xào, luộc…
- Cải xanh: Cải xanh cung cấp khoảng 1,0 mg sắt trên 100gram, chứa nhiều vitamin A, C, K, cũng như canxi và chất chống oxy hóa. Cải xanh có hương vị cay có thể tăng cường vào bữa ăn bằng cách xào với tỏi và dầu ô liu hoặc thêm vào súp hoặc salad, mang đến một cách tiếp cận giàu hương vị để tăng lượng sắt cho cơ thể.
- Măng tây: Măng tây chứa khoảng 2,1mg sắt trên 100gram và cũng giàu vitamin A, C, K, folate, chất xơ. Để tối đa hóa lợi ích dinh dưỡng, hãy hấp hoặc nướng nhẹ măng tây. Có thể dùng làm món ăn kèm, thêm vào salad hoặc xào. Măng tây cũng là một loại rau đa năng, giúp tăng hương vị và hàm lượng dinh dưỡng cho bữa ăn.
- Bắp cải Brussels: Bắp cải Brussels cung cấp khoảng 1,4 mg sắt trên 100gram và giàu vitamin C, K, chất xơ, folate. Xào bắp cải Brussels với một chút dầu ô liu và gia vị sẽ làm tăng hương vị của chúng, giúp giữ lại các chất dinh dưỡng. Loại rau này cũng có thể được thêm vào salad hoặc luộc…
- Củ cải xanh: Đây cũng là nguồn cung cấp chất sắt có giá trị, cung cấp khoảng 1,4 mg trên 100gram, giàu vitamin A, C, K và chất chống oxy hóa.
Xào củ cải xanh với tỏi và dầu ô liu hoặc thêm chúng vào súp, món hầm giúp cải thiện hương vị và giữ hàm lượng dinh dưỡng của chúng. Nấu củ cải xanh sẽ làm giảm hàm lượng oxalat, giúp tăng cường hấp thụ sắt.
- Đậu Hà Lan: Chứa khoảng 1,2 mg sắt trên 100gram, đậu Hà Lan cũng rất giàu vitamin A, C, K và protein. Đậu Hà Lan cũng có cách dùng rất đa dạng, có thể được thêm vào súp, món hầm, luộc… khiến chúng trở thành lựa chọn rất tiện lợi và bổ dưỡng. Thêm đậu Hà Lan vào bữa ăn giúp tăng cường chất sắt, vitamin và chất xơ.
- Cải rổ: Cung cấp khoảng 0,5 mg sắt trên 100gram, giàu vitamin A, C, K cũng như canxi và chất xơ. Cải rổ có thể được sử dụng trong súp, món hầm hoặc xào như một món ăn kèm, cung cấp nguồn sắt dồi dào và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác.
Kết hợp các loại rau giàu sắt này vào chế độ ăn uống có thể tăng đáng kể lượng sắt cho cơ thể. Bằng cách sử dụng nhiều phương pháp chế biến khác nhau như nấu, hấp hoặc xay, bạn có thể tối đa hóa khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và tăng cường hương vị của các loại rau này.
Kết hợp các loại rau giàu sắt với thực phẩm giàu vitamin C có thể cải thiện khả năng hấp thụ sắt hơn nữa, giúp bạn tận dụng tối đa lợi ích từ chế độ ăn thực vật của mình.
Mời bạn xem thêm video: