10 điểm nhấn tiêu biểu ngành Xây dựng năm 2024
Năm 2024, vượt qua những khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế, ngành xây dựng cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Dưới đây là 10 điểm nhấn tiêu biểu năm 2024 do Bộ Xây dựng công bố trong cuộc họp báo chiều 27.12.
1. Công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục là điểm sáng
Năm 2024, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm đặc biệt, và là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm, đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ.
Nổi bật là Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với tỷ lệ tán thành cao.
Cùng với đó, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22.8.2024.
Quốc hội cũng nhất trí cho phép Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, từ 1.8.2024, nhằm kịp thời giải quyết xử lý dứt điểm các bất cập, phát huy những ưu việt của chính sách, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở.
Nhằm bảo đảm hiệu lực đồng thời với luật, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 1 Quyết định quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Hai dự án luật khác do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo là Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước cũng đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
2. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước
Bộ Xây dựng tích cực tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các luật, văn bản dưới luật nhằm tăng cường phân cấp và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở và đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã rà soát, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và một số Nghị định có liên quan về quản lý dự án đầu tư xây dựng để thực hiện phân cấp mạnh mẽ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ về cho địa phương thực hiện.
Dự kiến sau khi Nghị định 15/2021/NĐ-CP có hiệu lực, số thủ tục hành chính từ cơ quan trung ương được phân cấp thêm cho địa phương thực hiện là khoảng 95% về thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu và 100% về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; giảm khoảng 10% số hồ sơ dự án, công trình yêu cầu thực hiện thủ tục thẩm định tại cơ quan nhà nước.
3. Tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án, công trình quan trọng quốc gia
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia, đẩy mạnh đầu tư công.
Thực hiện nhiệm vụ tại Công điện số 02/CĐ-TTg của Thủ tướng, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành liên quan và 46 địa phương, đồng thời thành lập tổ công tác liên Bộ để tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng, khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án.
Bộ đã ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tổ chức xác định và công bố giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn và rà soát các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng và định mức xây dựng. Ban hành các văn bản hướng dẫn nguyên tắc tính toán, xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết 106/2023/QH15 và các Nghị quyết của Chính phủ.
Bộ đã tham gia Đoàn công tác của Tổ công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án trọng điểm có tác động liên vùng tại các địa phương…
4. Tăng trưởng ngành đạt 7,8% - 8,2%, cao nhất từ năm 2020 đến nay
Năm 2024, tăng trưởng ngành xây dựng đạt khoảng 7,8% - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,4% - 7,3%). Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành đạt được từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế.
5. Phát triển nhà ở xã hội được đặc biệt quan tâm
Ngày 24.5.2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội (NOXH) trong tình hình mới. Đây là lần đầu tiên Đảng có chỉ đạo đối với công tác phát triển NOXH.
Tiếp đó, Thủ tướng ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30.8.2024 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW.
Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 161/2024/QH15 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đã ban Kế hoạch thực hiện Quyết định số 927/QĐ-TTg (Quyết định số 1017/QĐ-BXD ngày 1.11.2024) nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển NOXH để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển NOXH và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
Cũng trong năm 2024, Bộ Xây dựng phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức 2 Hội nghị tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển NOXH.
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án NOXH đã được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, hoàn thành 96 dự án với quy mô 57.652 căn; khởi công xây dựng 133 dự án với quy mô 110.217 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư 415 dự án với quy mô 412.240 căn.
Cả nước đã quy hoạch hơn 1.500 khu đất với 9.700 ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Long An…
Hiện, Bộ đã soạn thảo để trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển NOXH. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay NOXH từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói ưu đãi cho vay NOXH bằng phát hành trái phiếu.
6. Thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để lấy đà phục hồi phát triển
Cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, những giải pháp quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Điều này thể hiện ở mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao. Lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng. nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Cụ thể, tổng lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ năm 2024 khoảng 137.386 căn, bằng 102,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng giao dịch đất nền khoảng 446.899 lô, bằng 138,1% so với cùng kỳ năm 2023.
7. Tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW
Trong năm 2024, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, tổ chức thẩm định phân loại, công nhận đô thị.
Tính đến hết tháng 11.2024, toàn quốc có 900 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 21 đô thị loại I, 39 đô thị loại II, 44 đô thị loại III, 97 đô thị loại IV.
Bộ đã tham mưu Chính phủ trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2024/UBTVQH15 quy định một số nội dung liên quan đến các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030…
8. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, vật liệu thay thế trong xây dựng công trình
Trên cơ sở tham mưu của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã ban hành cơ bản đầy đủ cơ chế chính sách về thúc đẩy phát triển vật liệu xanh.
Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng và ban hành hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Bộ đã xây dựng Tiêu chuẩn TCVN 13754: 2023 cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa để bảo đảm các yêu cầu về sử dụng cát biển cho các công trình xây dựng.
Với các cơ chế chính sách phù hợp, nhiều loại vật liệu xanh, vật liệu mới trong nước đã ngày càng được nghiên cứu và phát triển nhiều hơn.
Đặc biệt, Chương trình Tuần lễ Công trình xanh do Bộ Xây dựng tổ chức đã thành sự kiện thường niên, uy tín, thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, chủ đầu tư công trình và người dân quan tâm.
Với các chính sách ban hành liên quan đến phát triển vật liệu xanh, số lượng và chủng loại vật liệu xanh ngày càng tăng và đa dạng, đóng góp vào số lượng các công trình xanh tại Việt Nam theo chiều hướng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022 có khoảng 200 công trình xanh; năm 2023 có khoảng hơn 300 công trình xanh; năm 2024 đã có trên 500 công trình xanh.
9. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử
Bộ đã ban hành Quyết định 926/QĐ-BXD ngày 11.10.2024, phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ Xây dựng đã thực thi được 8/9 thủ tục hành chính (TTHC) đạt 88%. Bộ đang cung cấp 35 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 119 TTHC thuộc phạm vi quản lý ngành xây dựng, trong đó 29 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 06 dịch vụ công trực tuyến một phần. Số hồ sơ trực tuyến tiếp nhận trong kỳ đạt 87,6%, tăng so với cùng thời điểm năm 2023.
Bộ thực hiện kết nối toàn diện hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách tự động, đánh giá được kết quả giải quyết TTHC theo thời gian thực (hệ thống EMC).
Từ ngày 1.7.2024, Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc chuyển đổi, sử dụng hoàn toàn tài khoản định danh điện tử (VNelD) trong thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền của Bộ.
Bộ cũng triển khai thí điểm ứng dụng GIS trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam. Bộ phối hợp với các địa phương số hóa và cập nhật thông tin 370 đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam. Tổng số đồ án đã cập nhật lên cổng thông tin đến nay là 3.071 đồ án.
10. Triển khai quyết liệt tổng kết Nghị quyết 18 -NQ/TW và Đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết Nghị quyết 18- NQ/TW, Bộ đã khẩn trương, tích cực làm việc với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện báo cáo Tổng kết Nghị quyết 18 và dự thảo Đề án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải báo cáo lên Thủ tướng đúng thời hạn.
Số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 Bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị; trong đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông vận tải có 23 đơn vị. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 25 - 27 đơn vị, giảm tương đương 35-40% tổng số đầu mối.