10 dấu ấn nổi bật năm 2024 - nhiều nội dung đậm nét ngành Công Thương
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ bình chọn 10 dấu ấn nổi bật của Việt Nam năm 2024, trong đó, có nhiều nội dung đậm nét về ngành Công Thương.
Ngày 31/12/2024, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã bình chọn 10 dấu ấn nổi bật của Việt Nam năm 2024, trong đó, có những dấu ấn đặc biệt, đột phá, mang tính cách mạng.
10 dấu ấn cụ thể: Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; tăng trưởng kinh tế vượt dự báo, hướng tới mục hai con số; xây dựng, hoàn thiện thể chế xứng tầm “đột phá của đột phá”; đột phá trong xây dựng hạ tầng chiến lược; cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển ngành bán dẫn; đối ngoại khẳng định vị thế, uy tín đất nước, mở đường cho kinh tế phát triển; tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường mạnh mẽ; công nghiệp văn hóa có bước phát triển đột phá; bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 kịp thời, hiệu quả, bao trùm.
Trong 10 dấu ấn vừa nêu, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã nhắc đến những nội dung đậm nét về ngành Công Thương; đồng thời, điểm lại những thành tích, những kết quả mà ngành Công Thương đã nỗ lực đạt được trong năm 2024.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 810 tỷ USD, tăng trưởng ngoạn mục
Tại dấu ấn nổi bật thứ hai về “Tăng trưởng kinh tế vượt dự báo, hướng tới mục hai con số”, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ viết: “... nước ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhiều kỷ lục mới được xác lập... Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm ước đạt khoảng trên 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới. Chỉ tiêu tăng năng suất lao động lần đầu tiên vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt toàn diện.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt mức kỷ lục khoảng hơn 810 tỷ USD... Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia”.
Trong dấu ấn này, kết quả giao thương, xuất nhập khẩu của năm 2024 đã được điểm qua “Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt mức kỷ lục khoảng hơn 810 tỷ USD”. Đây là kết quả rất ấn tượng trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam năm qua, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và rủi ro lạm phát vẫn tăng cao tiếp tục tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta.
Sự tăng trưởng ngoạn mục của hoạt động xuất nhập khẩu đã hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế. Bởi trong năm 2024, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục trên 8,0% so với năm trước, vượt kế hoạch được giao và cao hơn nhiều mức tăng trưởng 2,3% của năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng gần 10%, cao gấp hơn 3 lần mức tăng của năm trước, khẳng định vai trò trụ cột quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Số lượng việc làm trong ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo gia tăng, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gia tăng và từ đó hỗ trợ ngược lại cho hoạt động chế biến, chế tạo trong nước.
Không những vậy, trong dấu ấn nổi bật thứ hai của năm 2024, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cũng đã đề cập nội dung: “Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia”. Kết quả này có được là nhờ năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương... đã trực tiếp đi đến các nước, quốc gia, vùng lãnh thổ để quảng bá hình ảnh một Việt Nam năng động, với nguồn nhân lực tốt, đang tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cùng với một thị trường nội địa đầy tiềm năng.
Không những vậy, tăng trưởng kinh tế ở mức cao cũng đã củng cố phần nào cho mức tăng chung của giá trị thương hiệu Việt Nam; mức độ nhận diện về thương hiệu Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Ngoài ra, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng nhắc đến “Các dự án tồn đọng, kéo dài được giải quyết cơ bản, trong đó, nhiều dự án có tổng mức đầu tư nhiều tỷ USD. Đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài và một số dự án đã có lãi. Tích cực xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng thương mại trong diện kiểm soát đặc biệt” và cho rằng, thành quả kinh tế 2024 đã tạo đà, tạo lực để hướng tới mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%, phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những thập kỷ tới.
Đột phá về thể chế và hạ tầng chiến lược
Tại dấu ấn nổi bật thứ ba với chủ đề: “Xây dựng, hoàn thiện thể chế xứng tầm “đột phá của đột phá”, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ viết: “Năm 2024, Quốc hội đã thông qua 31 luật mà đa số do Chính phủ trình, nhiều hơn tổng số luật (30 luật) được ban hành trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ. Với 18 luật, 21 nghị quyết được thông qua, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất, chiếm gần 1/3 (18/61 luật) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sau 4 kỳ họp”.
Bên cạnh Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 30/11/2024, Quốc hội cũng thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với 439/463 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỉ lệ 91,65%) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025.
Luật Điện lực (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, được kỳ vọng tạo động lực tích cực đến nền kinh tế, bảo đảm cho các mục tiêu tăng trưởng và an ninh năng lượng quốc gia. Việc sửa đổi Luật Điện lực được đánh giá là rất cần thiết và cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt để phát triển ngành điện.
Đáng chú ý, tại dấu ấn nối bật thứ tư “Đột phá trong xây dựng hạ tầng chiến lược”, cùng với các dự án, công trình trọng điểm như: Sân bay Long Thành, tuyến metro TP. Hồ Chí Minh... Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng đã nhắc tới kỳ tích đường dây 500kV mạch 3: “Về hạ tầng năng lượng, dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc với chất lượng được bảo đảm trong khi các dự án tương tự, trước đây cần tới 3 - 4 năm”.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối do EVNNPT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư khoảng 22.300 tỷ đồng, đi qua 9 tỉnh, gồm 4 dự án thành phần. Với tổng chiều dài khoảng 519 km, Dự án có quy mô 1.177 cột; trong đó, cột cao nhất là 145 m, cột nặng nhất tới 415 tấn. Với khối lượng công việc, quy mô như dự án đường dây 500kV mạch 3, công tác chuẩn bị đầu tư mất từ 2 - 3 năm mới có thể khởi công. Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm việc liên tục 24/7, "3 ca, 4 kíp", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "làm xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày lễ"..., chỉ sau hơn 6 tháng, toàn bộ dự án và các công trình phụ trợ đã cơ bản hoàn thành.
Công tác hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu
Tiếp đến, tại dấu ấn nổi bật thứ 7 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ bình chọn “Đối ngoại khẳng định vị thế, uy tín đất nước, mở đường cho phát triển”, đã nhấn mạnh: “Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục là điểm sáng, giữ nước từ sớm, từ xa và góp phần tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển. Cục diện đối ngoại không ngừng được mở rộng; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước...
... Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Pháp, Australia, Malaysia; nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Brazil; nâng cấp đối tác toàn diện với UAE và Mông Cổ; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ireland về giáo dục đào tạo. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, 19 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện”.
Có thể nói, trong năm 2024, công tác đàm phán, ký kết các FTA mới là điểm sáng trong bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Công Thương và của cả nước nói chung, khi ngày 28/10/2024, sau hơn một năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã được ký kết. Đây là FTA đầu tiên mà Việt Nam ký với một nước Ả rập, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với UAE và các nước Trung Đông - châu Phi.
Cũng trong năm 2024, ngành Công Thương đã triển khai đồng bộ các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thành hiệu quả, đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra; cân bằng, đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong quá trình triển khai các cam kết quốc tế, đồng thời ứng phó kịp thời, phù hợp trước những biến động nhanh chóng của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu.
Nhờ những thành tựu trong công tác hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, là thành viên tích cực của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam là một trong 40 nền kinh tế, có quy mô GDP lớn nhất thế giới, top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; top 15 nền kinh tế hàng đầu về thu hút FDI, top 46 nước đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Việt Nam đã duy trì được tăng trưởng GDP bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 5,2%/năm (mức cao của khu vực và thế giới); riêng năm 2024 khả năng đạt trên 7%, cao hơn mức Quốc hội giao (6,5 - 7%).
“Công tác hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Việc ký kết FTA với UAE đã góp phần mở rộng thêm “xa lộ” hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho biết, hiện Việt Nam đã ký kết 17 FTA và đang đàm phán 2 FTA, tổng cộng đã và đang tham gia 19 FTA, qua đó, có trên 60 đối tác FTA, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành một "mắt xích" quan trọng trong mạng lưới quan hệ đối tác của các quốc gia trên thế giới.
Không chỉ vậy, với việc tham gia nhiều các FTA, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ kinh tế. Hiện, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, châu Á vẫn là khu vực thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam với tỷ trọng kim ngạch chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Năm 2025, trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương vẫn thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao, đặt ra mục tiêu thách thức với tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 12% so với năm 2024.