10,000 cây số đến Việt Nam: Câu chuyện đi để trở về của chàng trai đến từ châu Phi
Pepuere Pempeme Théophile, đến từ Cameroon, học viên thạc sĩ chương trình Khoa học Máy tính, chuyên ngành Hệ thống thông minh và Đa phương tiện tại Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) đã lựa chọn Khoa Kỹ thuật và Công nghệ Ứng dụng tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) là điểm đến cho hành trình 6 tháng nghiên cứu và thực tập sắp tới. Cùng tìm hiểu về câu chuyện của Théophile trong bài viết dưới đây nhé.
Từ giấc mơ trở thành hiện thực
Đặt chân đến một vùng đất mới, khám phá những nét văn hóa độc đáo ở một quốc gia xa lạ luôn là ước mơ đối với nhiều người. Pepuere Pempeme Théophile, một sinh viên đến từ Cameroon – quốc gia nằm ở khu vực Trung Tây của châu Phi, đã dũng cảm biến giấc mơ của chính mình trở thành hiện thực khi quyết định vượt 10.000 cây số đến Việt Nam để học tiếp chương trình thạc sĩ về Khoa học Máy tính tại Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI). Đến nay, Théophile đã sinh sống và học tập tại Việt Nam được gần 2 năm, với nhiều trải nghiệm khó quên với đất nước, văn hóa và con người mảnh đất hình chữ S.
![Théophile bắt đầu kỳ thực tập tại USTH ngay trước Tết Nguyên đán.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_176_51424010/a590feadc7e32ebd77f2.jpg)
Théophile bắt đầu kỳ thực tập tại USTH ngay trước Tết Nguyên đán.
Ban đầu theo kế hoạch Théophile sẽ kết thúc chương trình học thạc sĩ với kỳ thực tập tại Pháp, tuy nhiên, anh đã có một quyết định táo bạo khi muốn thực tập tại Việt Nam và tại USTH. Théophile chia sẻ anh muốn tiếp tục gắn bó với Việt Nam, đồng thời bị thuyết phục bởi môi trường học tập và những cơ hội phát triển nghiên cứu tại USTH.
Ấn tượng về Việt Nam - một quốc gia kiên cường và nồng ấm
Théophile cho biết anh bất ngờ khi chứng kiến sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của Việt Nam dù trải qua nhiều vết thương chiến tranh. Mặc dù có những rào cản về ngôn ngữ nhưng Théophile luôn cảm nhận được sự hiếu khách và thân thiện của người Việt Nam dành cho người nước ngoài, đặc biệt với cộng đồng người châu Phi. Anh cho biết: “Người Việt Nam rất cởi mở, sẵn sàng chia sẻ về văn hóa địa phương cũng như mong muốn tìm hiểu về văn hóa của chúng tôi. Dù đó là qua những cuộc trò chuyện nhỏ trên phố hay lời mời cùng tham gia các hoạt động văn hóa, tôi luôn thấy ở họ sự quan tâm và chân thành”.
Théophile sẽ không bao giờ quên hành động trượng nghĩa, tốt bụng của một thanh niên người Việt, dù không quen biết nhưng đã tận tình giúp đỡ người bạn người châu Phi của anh sau một vụ tai nạn nghiêm trọng. “Anh ấy đã ngay lập tức gọi xe cứu thương và thậm chí tự chi trả chi phí vận chuyển để bạn tôi có thể được đưa đi viện kịp thời. Kỷ niệm này khiến tôi càng thêm tin tưởng vào lòng tốt và tinh thần cộng đồng của người Việt Nam”, Théophile kể lại.
![Théophile tại Phòng thí nghiệm của Khoa Công nghệ và Kỹ thuật ứng dụng USTH.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_176_51424010/b560ef5dd6133f4d6602.jpg)
Théophile tại Phòng thí nghiệm của Khoa Công nghệ và Kỹ thuật ứng dụng USTH.
Bên cạnh việc học tập, Théophile còn dành thời gian du lịch và đến những địa điểm danh lam thắng cảnh trong và ngoài Hà Nội để tìm hiểu về văn hóa và lịch của của Việt Nam. Théophile háo hức kể những địa điểm mình đã đặt chân tới, trong đó ấn tượng nhất phải kể đến Bảo tàng Hà Nội, Phố Cổ Hà Nội, Ninh Bình...Théophile cũng tỏ ra tiếc nuối khi chưa thật sự làm quen với ẩm thực Việt Nam. “Món ăn Việt ngọt hơn nhiều so với khẩu vị quen thuộc của tôi tại quê nhà, vì vậy tôi vẫn cần thời gian để thích nghi”, Théophile cho biết.
Khởi đầu kỳ thực tập tại USTH
Théophile bắt đầu kỳ thực tập tại USTH ngay trước Tết Nguyên Đán Ất Tỵ. Dù mới chỉ làm quen với môi trường mới, anh đã nhanh chóng thích nghi nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ cán bộ và giảng viên Nhà trường. “Nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô, tôi từng bước làm quen và xây dựng nền tảng cho các hoạt động nghiên cứu của mình tại USTH. Môi trường học tập bài bản, nguồn tư liệu phong phú và sự hướng dẫn tận tình từ thầy hướng dẫn giúp tôi khởi đầu kỳ thực tập quan trọng một cách thuận lợi”.
Nghiên cứu của Théophile với chủ đề "Analytical approximation of the Magnetization Characteristics of a Ferromagnetic Material" (Tính toán xấp xỉ đường cong từ hóa của vật liệu sắt từ) được thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Hoàng Trung Kiên – Trưởng Khoa Công nghệ Kỹ thuật và Ứng dụng. Mục tiêu chính của đề tài là mô hình hóa đường cong từ hóa của vật liệu sắt từ dưới dạng toán học để thuận tiện trong các tính toán mô phỏng liên quan tới vật liệu sắt từ, đây là vấn đề rất quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu máy điện.
![Théophile tham quan các điểm du lịch văn hóa tại Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_176_51424010/9c8bc0b6f9f810a649e9.jpg)
Théophile tham quan các điểm du lịch văn hóa tại Việt Nam.
Théophile thổ lộ tiếng Anh là một trong những thách thức lớn nhất với anh trong kỳ thực tập lần này tại USTH. Tuy vậy, Théophile cũng bày tỏ quyết tâm vượt qua rào cản ngôn ngữ để có thể hoàn thành tốt nhất nghiên cứu của mình. “Nhờ sự động viên của thầy hướng dẫn, môi trường học tập tại USTH và các tài liệu nghiên cứu mình được tiếp cận, tôi nhận thấy bản thân ngày càng tiến bộ hơn”.
Mong muốn đóng góp cho Việt Nam và quê hương
Khi được hỏi về dự định tương lai sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, Théophile bày tỏ hy vọng có thể được làm việc và cống hiến cho Việt Nam trước khi trở lại châu Phi. “Nếu có thể, tôi muốn tiếp tục ở lại và đóng góp cho đất nước Việt Nam như một lời cảm ơn cho những tình cảm và cơ hội mà đất nước bạn đã dành cho tôi trong suốt thời gian qua”.
![Théophile tham quan các điểm du lịch văn hóa tại Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_176_51424010/00b25e8f67c18e9fd7d0.jpg)
Théophile tham quan các điểm du lịch văn hóa tại Việt Nam.
Théophile cũng mong muốn sẽ mang những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được ở Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề và thách thức ở châu Phi, đặc biệt là quê hương của anh Cameroon.