1 vụ án phá sản có khi kéo dài 10 năm
Các đại biểu đề xuất lập thêm các tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ trực thuộc tòa án cấp khu vực, bởi để giải quyết một vụ án phá sản, tổ thẩm phán thụ lý phải theo dõi toàn bộ quá trình thực hiện, có thể 5-7 năm, có khi tới 10 năm mới kết thúc.
Chiều qua (8-5), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.
Nêu ý kiến, một số đại biểu đã đề xuất thành lập thêm các tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ trực thuộc tòa án cấp khu vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 8-5. Ảnh: QH
Đề xuất lập tòa về trung tâm tài chính quốc tế
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng việc thành lập các tòa phá sản, sở hữu trí tuệ là cần thiết, giúp giải phóng được nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giúp ổn định xã hội.
Để thể chế hóa sớm Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực thi pháp luật trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, ông Mãi đề nghị rà soát kỹ để bổ sung thêm nhiệm vụ cho các tòa khi tổ chức lại.
Trong dự thảo cũng quy định việc thành lập các tòa chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở trình của thẩm phán TAND Tối cao. “Tôi cho rằng cần thiết có thêm tòa về phán quyết trọng tài và tòa về trung tâm tài chính quốc tế trong lần sửa đổi này” – ông Phan Văn Mãi nói.
Theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính, Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ áp dụng pháp luật của Việt Nam mà phải áp dụng pháp luật quốc tế, các định chế tài phán đi kèm cũng phải theo thông lệ quốc tế.
Trong dự thảo nghị quyết về trung tâm tài chính quốc tế đang sử dụng định chế tài phán là trọng tài. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức ban đầu. “Chúng ta phải có một định chế tài phán, chẳng hạn như tòa chuyên biệt về trung tâm tài chính… Phải cập nhật với thông lệ quốc tế thì mới theo kịp được, mới hội nhập được” - ông Mãi nói.
Chia sẻ thêm, ông Phan Văn Mãi nói khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư sẽ quan tâm tiền của họ có ‘tự do’ không? Khi có tranh chấp thì họ có được phán quyết theo thông lệ quốc tế không? Quyền lợi của họ có được đảm bảo như các trung tâm khác không? Từ đó, ông đề nghị rà soát các quy định để tạo ra sự ổn định tương đối của luật.

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong. Ảnh: QH
Án về sở hữu trí tuệ, phá sản tăng
Nêu ý kiến trước đó, đại biểu Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM cho biết Luật Tổ chức TAND mới được Quốc hội thông qua và đang thực hiện. Tuy nhiên, lần này đã mạnh dạn sửa đổi để đồng bộ với công tác sắp xếp bộ máy.
Xuất phát từ thực tiễn xét xử ở TP.HCM, ông Phong đồng ý với việc thành lập tòa kinh tế trực thuộc tòa án khu vực. “Trước mắt là thành lập hai tòa sở hữu trí tuệ và phá sản ở Hà Nội, TP.HCM” – ông Lê Thanh Phong đề xuất và cho biết gần đây án về sở hữu trí tuệ, phá sản ngày càng nhiều, đặc biệt là tại TP.HCM. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc cần có tòa chuyên biệt để giải quyết các vụ án đặc thù.
“Khi thụ lý, giải quyết một vụ án phá sản, tổ thẩm phán thụ lý phải theo dõi toàn bộ quá trình thực hiện, có thể 5-7 năm, có khi tới 10 năm mới kết thúc” – ông Phong nêu lý do cần có thẩm phán chuyên môn và tòa chuyên trách.
Cũng theo ông Phong, thời gian ở đây, tại TP.HCM xuất hiện nhiều tranh chấp liên quan đến hủy phán quyết của trọng tài. Thống kê trong 3 năm, tại TP.HCM đã thụ lý khoảng 230 vụ, trung bình 70-80 vụ/năm và gia tăng theo từng năm.
Luật hiện hành quy định rõ quyết định hủy phán quyết của trọng tài sẽ có hiệu lực ngay, không được khiếu nại. “Điều này đòi thẩm phán phải có chuyên môn và ra phán quyết chính xác” – theo Chánh án Lê Thanh Phong.
Ông Phong cũng cho biết trong dự thảo luật không đề cập đến việc thành lập các tòa chuyên trách. Tuy nhiên, nếu để nằm rải rác ở các tòa kinh tế thuộc tòa khu vực thì có thể sẽ không tập trung. Từ đó, ông đề xuất lập tòa chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ, hủy phán quyết trọng tài ở một số tòa khu vực tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội để có tính chất chuyên sâu.
Trường hợp vẫn giao cho các tòa kinh tế ở các khu vực thì có hướng dẫn cụ thể để phân công thẩm phán phụ trách nhằm đảm bảo tính tập trung trong các phán quyết trọng tài.
Về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng khi thành lập các tòa chuyên trách phá sản, sở hữu trí tuệ thì cũng chỉ sơ thẩm ở cấp tòa khu vực. Như vậy, nhiệm vụ của TAND khu vực rất nặng, do vậy cũng tính toán xem tòa phá sản và sở hữu trí tuệ có nên thành lập ở TAND tỉnh?