1.400 người phải sơ tán khi chính quyền Okinawa tháo gỡ bom mìn sau chiến tranh

Tại Okinawa, Nhật Bản, bom mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn tiếp tục 'phủ bóng đen' và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân địa phương này. Theo ước tính, cứ mỗi ngày tại Okinawa có hơn một quả bom chưa phát nổ được phát hiện.

Bắt đầu từ 8 giờ 50 phút sáng nay (29/09, theo giờ địa phương), chính quyền thành phố Naha, tỉnh Okinawa, đã phải sơ tán tạm thời khoảng 1.400 người khi các lực lượng chuyên môn tiến hành tháo gỡ một quả bom chưa nổ “khổng lồ” được phát hiện trước đó. Quả bom này được cho là còn sót lại sau cuộc chiến tranh cách đây 79 năm trước tại địa phương này.

Theo Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, quả bom được phát hiện vào tháng 12 năm ngoái trong quá trình xây dựng hệ thống thoát nước tại một khu dân cư ở thành phố Naha, tỉnh Okinawa. Khu vực này là nơi diễn ra trận chiến khốc liệt cách đây 79 năm trước trong Trận chiến Okinawa, gần trụ sở của quân đội Nhật Bản cũ nằm ở tầng hầm của Lâu đài Shuri. Quả bom nặng khoảng 250 kg, dài khoảng 1,2 m và có đường kính 36 cm, được cho là do máy bay quân sự Mỹ thả xuống trong chiến tranh. Vì có nguy cơ phát nổ cao, lực lượng chuyên môn phải tiến hành tháo gỡ quả bom tại chỗ, và quá trình xử lý dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng hơn 5 giờ đồng hồ.

Biển cấm lưu thông xung quanh các khu vực gần địa điểm tháo gỡ bom mìn. Ảnh: NHK

Biển cấm lưu thông xung quanh các khu vực gần địa điểm tháo gỡ bom mìn. Ảnh: NHK

Để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, cùng với khoảng 1.400 người, bao gồm người dân địa phương, nhân viên các công ty và du khách, đã được yêu cầu sơ tán tạm thời đến 3 địa điểm sơ tán, tất cả các tuyến đường xung quanh khu vực tháo gỡ cũng sẽ không được phép lưu thông qua lại.

Trong một tuyên bố, chính quyền Thành phố Naha nhấn mạnh, đối với việc xử lý bom mìn chưa nổ, đòi hỏi phải đảm bảo yếu tố an toàn tuyệt đối và được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, công tác sơ tán phải được tiến hành trên quy mô lớn và trên diện rộng. Theo ước tính, có khoảng 10.000 tấn vật liệu chưa nổ còn sót lại từ sau chiến tranh và Okinawa sẽ phải mất thêm tới 70 - 100 năm nữa để có thể hoàn tất công tác xử lý số vật liệu chưa nổ còn sót lại này. Vì vậy, đây luôn được coi là “nhiệm vụ không ngừng nghỉ sau chiến tranh” tại Okinawa.

Quả bom "khổng lồ" được phát hiện có nguy cơ phát nổ nên công tác tháo gỡ được thực hiện tại chỗ. Ảnh: NHK

Quả bom "khổng lồ" được phát hiện có nguy cơ phát nổ nên công tác tháo gỡ được thực hiện tại chỗ. Ảnh: NHK

Vào tháng 3/1974, thời điểm 2 năm sau khi Okinawa được trả lại Nhật Bản, một quả mìn được cài đặt trong chiến tranh đã phát nổ gần một trường mẫu giáo ở Naha, khiến 4 người thiệt mạng và 34 người khác bị thương. Những lời kêu gọi cần hành động ngay lập tức ngày càng gia tăng và sau đó, một đơn vị Lực lượng Phòng vệ Mặt đất chuyên xử lý bom mìn chưa nổ đã được thành lập.

Hơn 50 năm sau khi được trả lại, vấn đề bom mìn chưa nổ được phát hiện từ sau chiến tranh tiếp tục phủ bóng đen lên cuộc sống của người dân Okinawa; đồng thời địa phương này vẫn đang phải chịu gánh nặng quá lớn liên quan đến các căn cứ quân sự, như tai nạn, tội phạm cũng như các vấn đề về tiếng ồn và ô nhiễm môi trường.

Ngọc Huân/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/1400-nguoi-phai-so-tan-khi-chinh-quyen-okinawa-thao-go-bom-min-sau-chien-tranh-post1124888.vov
Zalo