Yếu tố then chốt trong quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng
Công tác xây dựng đảng là yếu tố quyết định trong thực hiện thành công nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia với vai trò là hạt nhân chính trị, đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, luôn giữ vững sự lãnh đạo xuyên suốt và không gián đoạn, dù trải qua quá trình chuyển đổi tổ chức từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sang Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Được sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, Ủy ban nhanh chóng ổn định về tổ chức, nhân sự để sớm triển khai, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Sự chuyển đổi tổ chức là minh chứng sinh động cho năng lực hiện thực hóa đường lối của Đảng vào thực tiễn, công tác xây dựng đảng là đặc biệt quan trọng, yếu tố then chốt đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Trong từng giai đoạn, cấp ủy luôn nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, chủ động tham mưu, ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời các nghị quyết, chương trình công tác phù hợp với yêu cầu chính trị và thực tiễn nhiệm vụ. Bằng sự linh hoạt, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm cao và sức mạnh đoàn kết nội bộ, cấp ủy đã chỉ đạo các chi bộ và toàn thể đảng viên, công chức, viên chức không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đồng thời hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần khẳng định vị thế và vai trò của Đảng bộ.

Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Huyền My
“Hạt nhân” trong mô hình tổ chức mới
Ông Trịnh Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy luôn xác định công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức là nhiệm vụ then chốt, nền tảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Với vai trò là hạt nhân chính trị, cấp ủy luôn kiên trì lãnh đạo toàn diện, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu.
"Cấp ủy luôn coi trọng công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, bảo đảm sự trung thành tuyệt đối với nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong đơn vị, góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh, phẩm chất, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới", ông Trịnh Anh Tuấn cho hay.
Theo Bí thư Đảng ủy Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, với tinh thần chủ động, bản lĩnh và quyết liệt trong chỉ đạo, cấp ủy đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển tiếp và ổn định mới. Ngay từ đầu nhiệm kỳ và đặc biệt từ thời điểm chuyển đổi tổ chức (tháng 4/2023), cấp ủy đã ban hành quy chế làm việc, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chấp hành; ban hành nghị quyết trọng tâm đến năm 2025 và kịp thời thành lập các chi bộ trực thuộc, kiện toàn chi ủy các chi bộ, đảm bảo sự vận hành thông suốt, đồng bộ của toàn hệ thống chính trị trong Đảng bộ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức bộ máy luôn gắn liền với yêu cầu tinh gọn, hiệu quả, đi đôi với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao và trình độ chuyên môn sâu.
"Công tác tổ chức, cán bộ, sinh hoạt đảng, đánh giá đảng viên được thực hiện nghiêm túc, khách quan, gắn với xây dựng đội ngũ có bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và trình độ chuyên môn cao. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, giữ vững nguyên tắc, tăng cường kiểm soát, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ", Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin.
Cùng với đó, cấp ủy luôn quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Trung ương và hướng dẫn của Đảng ủy cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; đồng thời cụ thể hóa thành chương trình công tác kiểm tra, giám sát hằng năm, bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình đặc thủ của đơn vị. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy kịp thời phát hiện, nhắc nhở, uốn nắn những tồn tại, hạn chế, góp phần quan trọng vào việc chấn chỉnh kỷ luật, nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các chức danh lãnh đạo, quản lý, được triển khai nghiêm túc, đúng thời hạn, bảo đảm minh bạch, công khai và lành mạnh hóa nội bộ; công tác thu, nộp và sử dụng đảng phí đúng quy định, báo cáo kịp thời, đầy đủ theo chế độ định kỳ với Đảng ủy Bộ Công Thương.
Đồng thời, cấp ủy phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết nội bộ vững chắc, phối hợp chặt chẽ với Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các tổ chức đoàn thể, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, đồng thuận trong hành động với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Cấp ủy chỉ đạo phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, làm cho “ý Đảng hợp lòng dân” góp phần nâng cao dân chủ, chăm lo đời sống tinh thần, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Qua đó, tạo động lực tinh thần, lan tỏa hình ảnh cán bộ Ủy ban bản lĩnh, đoàn kết, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh tổ chức mới, chức năng nhiệm vụ ngày càng mở rộng và yêu cầu đặt ra ngày càng cao.
"Quán triệt sâu sắc tinh thần nghị quyết của Trung ương, cấp ủy luôn xác định đổi mới phương thức lãnh đạo là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao năng lực cầm quyền, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả trong tình hình mới. Đồng thời, chủ động đổi mới tư duy lãnh đạo, chuyển từ chỉ đạo mệnh lệnh hành chính sang tăng cường định hướng, dẫn dắt, tạo đồng thuận và phát huy vai trò của tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, trên nền tảng nguyên tắc tập trung dân chủ. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn chuyển đổi tổ chức và vận hành mô hình mới", ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định.

Công tác xây dựng đảng là yếu tố quyết định trong thực hiện thành công nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Thuấn
Nâng cao năng lực thực thi quản lý nhà nước về cạnh tranh
Theo Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, phát huy vai trò hạt nhân chính trị, cấp ủy Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao trong bối cảnh mô hình tổ chức mới được hoàn thiện, yêu cầu thực thi ngày càng cao. Cấp ủy đặc biệt chú trọng công tác định hướng chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn đơn vị, coi đây là nền tảng để tổ chức triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, công tác quản lý cạnh tranh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Cụ thể: kiểm soát tốt các thương vụ sáp nhập, mua lại với việc thẩm định trên 800 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; thực hiện hiệu quả công tác giám sát cạnh tranh trên nhiều thị trường trọng điểm như: hóa chất, bưu chính, hàng không, bán lẻ, ngân hàng…; đã xem xét, xác minh gần 100 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh. Tính đến hết năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành quyết định xử phạt đối với 1 vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế, 5 vụ việc cạnh tranh không lành mạnh với mức phạt tiền và thu về ngân sách nhà nước gần 2,5 tỷ đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong 5 vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.
Trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cấp ủy tập trung lãnh đạo triển khai kịp thời các yêu cầu thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường giám sát thực tế, nhất là các vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên diện rộng. Chỉ đạo việc xử lý hiệu quả trên 1.500 phản ánh, khiếu nại mỗi năm; giám sát trên 50 chương trình thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng; kịp thời cảnh báo rủi ro an toàn sản phẩm đến cộng đồng.
Đối với hoạt động quản lý kinh doanh theo phương thức đa cấp, cấp ủy luôn nhất quán tinh thần siết chặt quản lý, chú trọng phòng ngừa rủi ro và phòng, chống các hiện tượng biến tướng, lợi dụng chính sách. Cấp ủy lãnh đạo triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết thủ tục hành chính đúng thời gian, quy trình, trên tinh thần quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về kinh doanh đa cấp biến tướng, thường xuyên đăng tin cảnh báo và kiểm tra việc chấp hành pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Đảng ủy Ủy ban đã quán triệt, nghiêm túc triển khai chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo Kết luận số 160-KL/TW. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tham mưu thực hiện phân cấp, phân quyền trên 60% nhiệm vụ quản lý nhà nước, nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đã được cụ thể hóa trong Nghị định số 146/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định, trên cơ sở kết quả đạt được, Đảng ủy Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát huy sức mạnh đoàn kết, tiếp tục công tác xây dựng đảng với năm trụ cột: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; tiếp tục chỉ đạo đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, trọng tâm là: hoàn thiện chính sách, pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với thực tiễn và xu hướng toàn cầu; nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cạnh tranh, đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt với các vụ việc có tính chất xuyên biên giới; tăng cường công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Với những kết quả đạt được, cấp ủy tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, sâu sát, kịp thời, góp phần xây dựng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trở thành cơ quan có năng lực chuyên môn cao, hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại và gần dân.