Yêu cầu dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, thủ tục có khó?
Theo luật sư, với đề xuất cá nhân, tổ chức mở lớp dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, thủ tục không khó và sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách.
Tại Điều 5 Dự thảo quy định về dạy thêm học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
b) Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. [1]
Vậy thủ tục đăng ký kinh doanh cho hoạt động dạy thêm, những ưu điểm của hình thức quản lý này ra sao, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với một số luật sư để có góc nhìn khách quan nội dung này.
Quy định về việc đăng ký kinh doanh
Theo luật sư Phùng Thị Huyền (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), với đề xuất như trên, các cá nhân, tổ chức trước khi tiến hành tổ chức giảng dạy thêm ngoài nhà trường cần đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh.
Cụ thể, về việc thành lập doanh nghiệp, tùy theo loại hình doanh nghiệp cá nhân, tổ chức muốn thành lập.
Trong đó, với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân cần có Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
Đối với hồ sơ đăng ký công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách thành viên/cổ đông; Bản sao giấy tờ pháp lý của thành viên.
"Cơ quan đăng ký là tại Phòng đăng ký kinh doanh ở các tỉnh/thành phố. Thời hạn giải quyết trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013, năm 2020, doanh nghiệp sau khi được thành lập là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện tại cơ quan thuế địa phương", luật sư Huyền chia sẻ về cách thức đăng ký doanh nghiệp, công ty về dạy thêm.
Luật sư Phùng Thị Huyền cho biết, đối tượng tiếp theo phổ biến hơn là hộ kinh doanh (cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình).
Theo các khoản 1, 2 và 3 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc thành lập hộ kinh doanh được pháp luật quy định phải có Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Đơn vị đăng ký là tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Thời hạn giải quyết hồ sơ trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
Về các khoản thuế hộ kinh doanh phải đóng, trong đó có thuế môn bài.
Theo đó, khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và điểm c, khoản 1, Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP thì mức thu lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể được tính dựa theo doanh thu bình quân hàng năm.
Cụ thể, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm mức đóng thuế môn bài là 1.000.000 đồng/năm; Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm, mức đóng thuế là 500.000 đồng/năm;
Với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm, mức đóng thuế là 300.000 đồng/năm.
Theo Điều 3 Nghị định nêu trên, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống; hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định... được miễn lệ phí môn bài.
Ngoài ra, các chủ thể trên được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống, thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật.
"Đối với trường hợp có doanh thu trên 100 triệu đồng thì thuộc đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Việc kê khai và nộp thuế được thực hiện tại cơ quan thuế địa phương", Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ chia sẻ.
Đăng ký kinh doanh nhằm hoàn thiện quy định
Trước đây, tại Điều 6 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm học thêm ban hành kèm theo (đã hết hiệu lực bởi Điều 1 Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019) có quy định về việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Theo đó, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải cam kết với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh đó là công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm: Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Danh sách người dạy thêm; Thời khóa biểu dạy thêm, học thêm; Mức thu tiền học thêm.
Về băn khoăn, dự thảo yêu cầu tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, liệu có khó hơn so với quy định trước đây là xin phép chính quyền địa phương, luật sư Phùng Thị Huyền cho hay, dự thảo quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân dạy thêm là việc nên làm.
"Bởi lẽ, việc đăng ký kinh doanh khi tổ chức giảng dạy là việc mà đáng ra các cá nhân, tổ chức phải làm. Dự thảo mới đây không quy định thêm nghĩa vụ, mà chỉ góp phần hiện thực hóa, phổ biến lại phần nghĩa vụ đáng ra phải được thực hiện", luật sư Phùng Thị Huyền nhận định
Đăng ký kinh doanh sẽ giúp cơ sở dạy thêm uy tín
Việc các tổ chức, cá nhân mở lớp dạy thêm phải đóng thuế sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Về góc độ quản lý nhà nước, luật sư Nguyễn Duy Anh (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định như dự thảo nêu, có tác động tích cực đến đăng ký kinh doanh dạy thêm ngoài nhà trường.
Vì trước đây, chúng ta tránh tiêu cực trong môi trường giáo dục, nên đã quy định cấm nhiều trường hợp không được dạy thêm ngoài trường học. Điều này khiến cho một bộ phận cá nhân, tổ chức kinh doanh ngoài trường học, mở lớp “dạy chui”.
"Nay dự thảo thừa nhận quyền tự do kinh doanh, tự do giao kết hợp hợp đồng của người học khiến họ có thêm động lực để thực hiện đúng và tôn trọng quy định pháp luật. Quan trọng nhất là tôn trọng quy định của pháp luật.
Với quy định đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh như hiện nay, chúng ta có thể đón chờ những cơ sở giảng dạy uy tín, giúp người học có nhiều sự lựa chọn và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước", luật sư Nguyễn Duy Anh nhận định.
Link bài viết tham khảo:
1) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-119240823111056922.htm