Y tế thế giới khuyến cáo gì về tiêm vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ?
Vắc-xin ngừa đậu mùa ở người đồng thời ngừa được đậu mùa khỉ, tuy nhiên đối tượng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan y tế các nước đều cho biết không cần tiêm phòng đại trà.
Ngay sau khi WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là một PHEIC (Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu), mức cảnh báo cao nhất về dịch bệnh, Bộ Y tế Singapore đã đưa ra giải thích về việc đối tượng nào cần tiêm vắc-xin để ngừa căn bệnh này.
Channel News Asia dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho hay nước này sẽ không triển khai tiêm phòng đại trà toàn dân để ngăn ngừa đậu mùa khỉ.
"Hiện tại, với tính chất tự giới hạn của căn bệnh, Bộ Y tế không khuyến nghị việc tiêm chủng đại trà cho toàn dân để phòng đậu mùa khỉ, vì lợi ích mang lại không nhiều hơn nguy cơ mắc bệnh" - ông Ong Ye Kung giải thích.
Hiện Singapore là một trong những nước châu Á có nhiều ca bệnh nhất, gồm 4 ca nhập cảnh và 4 ca lây truyền trong nước.
Trước đó, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), một trong những quốc gia nhiều ca đậu mùa khỉ nhất thế giới và cũng có nguồn vắc-xin chủ động nhất, cũng khuyến cáo không cần tiêm phòng đại trà.
CDC nêu rõ 2 đối tượng nên được tiêm chủng. Một là những người vừa tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ, bởi thời gian khởi phát căn bệnh này từ khi phơi nhiễm khá lâu và nếu tiêm vắc-xin trong vòng 4 ngày kể từ khi phơi nhiễm, cơ hội ngăn ngừa khỏi phát là rất cao. Nếu tiêm trong khoảng 4-14 ngày sau phơi nhiễm, vắc-xin sẽ giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng.
Đối tượng thứ hai là một số nhân viên y tế đặc biệt. Hầu hết các bác sĩ lâm sàng và bác sĩ, kỹ thuật viên phòng xét nghiệm ở Mỹ cũng không được khuyến cáo tiêm ngừa đậu mùa khỉ, trừ những người trực tiếp thực hiện xét nghiệm orthopoxvirus (họ chung của nhiều loại bệnh bao gồm đậu mùa, đậu mùa khỉ, đậu mùa bò...).
5 yêu cầu của WHO
Khi dịch bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu có dấu hiệu phức tạp, WHO đã ban hành hướng dẫn về chủng ngừa để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 14-6, nêu rõ 5 điểm.
- Không cần tiêm phòng hàng loạt tại thời điểm này.
- Đối với các trường hợp tiếp xúc, nên dự phòng sau phơi nhiễm bằng vắc-xin thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3 thích hợp, lý tưởng là 4 ngày sau ngày tiếp xúc.
- Dự phòng phơi nhiễm cũng được khuyến nghị cho các nhân viên y tế có nguy cơ, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus orthopoxvirus, nhân viên làm công tác xét nghiệm chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ và những người khác có thể gặp rủi ro theo chính sách từng quốc gia.
- Các chương trình tiêm chủng phải đi kèm với giám sát dịch tễ và truy tìm tiếp xúc, chiến dịch truyền thông, hợp tác nghiên cứu và chuẩn hóa các quy trình liên quan đến vắc-xin...
- Quyết định sử dụng vắc-xin cần dựa trên đánh giá đầy đủ về rủi ro và lợi ích trong từng trường hợp cụ thể.