Ý nghĩa từ chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
Tháng 3/2018, chương trình Đồng hành cùng phụ nữ (PN) biên cương do Trung ương Hội Liên hiệp (LH) PN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại tỉnh, bằng nhiều việc làm ý nghĩa, chương trình không chỉ tạo sinh kế mà còn giúp PN vùng biên vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Những ngày đầu năm 2024, bà Tống Thị Niêu (ấp 1, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) nhận được tin vui khi gia đình được hỗ trợ phương tiện sinh kế từ chương trình Đồng hành cùng PN biên cương. Bà Niêu bị khuyết tật chân, đi lại khó khăn. Vợ chồng bà già yếu, không có ruộng đất, cuộc sống gia đình khá chật vật. “Tôi mừng lắm khi được hỗ trợ 5 triệu đồng. Với số tiền này, tôi tính mua gà về nuôi để có thêm thu nhập” - bà Niêu bộc bạch.
Chung tâm trạng phấn khởi khi được hỗ trợ vốn như bà Niêu có chị Nguyễn Thị Kim Hiếu ở cùng địa phương. Chị Hiếu chia sẻ, chị quê ở tỉnh Bến Tre, lên xã biên giới này lập nghiệp. Công việc làm ăn không thuận lợi, hiện chị là mẹ đơn thân, một mình nuôi hai con nhỏ.
Hàng ngày, trên chiếc xe đạp cũ, chị Hiếu chở đồ hàng bông bán khắp xóm. “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, thường nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên rất biết ơn. Nay được chương trình hỗ trợ số tiền, tôi dự định mua chiếc xe máy cũ để đi bán hàng đỡ cực nhọc hơn” - chị Hiếu trải lòng.
Khởi động từ những ngày đầu năm 2024, không chỉ tặng quà, hỗ trợ phương tiện sinh kế, chương trình còn trao 1 mái ấm tình thương cho hộ PN gặp khó khăn về nhà ở. Chị Nguyễn Thị Thẳng (ấp 4, xã Tân Hiệp) - người được hỗ trợ mái ấm, bày tỏ, vợ chồng chị rất vui khi được xét tặng nhà. Căn nhà có diện tích sử dụng gần 80m2, với tổng kinh phí xây dựng 100 triệu đồng. Trong đó, Hội LHPN quận 7, TP.HCM tài trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do người thân gia đình đóng góp.
Giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội trong toàn tỉnh; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là các đồn BP phối hợp chặt chẽ Hội LHPN các huyện, thị xã và xã biên giới khảo sát, xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, phương pháp, thời gian tiến hành chương trình; đồng thời, tập trung vào địa bàn các xã biên giới khó khăn. Những địa phương được lựa chọn có sự thống nhất giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP.
Từ khi phát động đến nay, các cấp Hội thực hiện nhiều hoạt động trong chương trình. Nổi bật là các hoạt động an sinh xã hội, nhắn tin ủng hộ chương trình cũng như đưa pháp luật về vùng biên giới,... Giai đoạn 2021-2023, có 9/9 huyện, thành phố không giáp biên giới đăng ký hỗ trợ, đỡ đầu 11 xã biên giới, tập trung chủ yếu vào các nội dung: Hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng sống, nguồn lực, kinh phí, hoạt động Hội và phong trào PN, giao lưu văn nghệ, thể dục - thể thao,... Sau 3 năm, chương trình trao tặng trên 20 mái ấm tình thương, gần 2.500 phần quà gồm tiền, nhu yếu phẩm, 200 suất học bổng cho người dân, học sinh vùng biên giới với tổng trị giá trên 5 tỉ đồng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - Đặng Thị Ngọc Mai cho biết, chương trình Đồng hành cùng PN biên cương mang tính nhân văn sâu sắc, vừa góp phần nâng cao đời sống PN, vừa phát huy vai trò của PN vùng biên trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam.
Nhìn lại quá trình thực hiện chương trình, một trong những yếu tố thành công đó là Hội LHPN tỉnh phối hợp các ban, ngành liên quan và các đơn vị cơ sở xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả. Từ đó, từng bước mở rộng thêm các đối tượng được thụ hưởng. Sự lan tỏa của chương trình góp phần từng bước cải thiện đời sống, giảm nghèo, giúp người dân và PN vùng biên tự tin vượt lên khó khăn, làm chủ cuộc sống./.