Xúc tiến thị trường cho cá tra

Đặc tính cá tra phù hợp với các vùng nước ngọt đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp. Trên thị trường thế giới, cá tra được ưa chuộng bởi phẩm chất ngon, giá trị dinh dưỡng cao, nhưng giá bán 'bình dân'. An Giang đang tập trung thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vùng nuôi liên kết, nghiên cứu các sản phẩm giá trị gia tăng và xúc tiến thị trường cho mặt hàng cá tra.

Xác định thị trường trọng điểm

An Giang được biết đến là cái nôi của nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Trong định hướng phát triển, tỉnh nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL trên cơ sở thực hiện “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang”.

Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định khoảng 1.600ha do DN đầu tư hoặc liên kết với DN. Tỉnh hỗ trợ DN xúc tiến và mở rộng hơn nữa thị trường sản phẩm ngành hàng cá tra ở các thị trường Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc và ASEAN với thị phần chiếm từ 50% - 60%; đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường nội địa, phấn đấu đến năm 2025 đạt 8% - 10%.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, An Giang thu hút DN đầu tư phát triển các hình thức sản xuất, nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường tiêu thụ.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, tổ chức sản xuất thủy sản. Tỉnh khuyến khích tập trung đầu tư lĩnh vực nghiên cứu khoa học, xây dựng công thức thức ăn cho một số loài nuôi mới có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu phát triển men vi sinh, chế phẩm sinh học, sản phẩm nguồn gốc thảo dược để phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh và khu vực ĐBCSL.

An Giang đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực thủy sản theo hướng chuyển đổi số, làm cơ sở phục vụ công tác quản lý (bản đồ số hóa về phân bố, thành phần loài, nguồn lợi thủy sản tự nhiên của tỉnh, bản đồ số hóa vùng nuôi thủy sản tập trung; bản đồ dịch tễ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh thủy sản...). Bên cạnh đó, kêu gọi DN đầu tư chế biến thủy sản với công nghệ tiên tiến, quy mô công nghiệp, tận dụng tối đa phế, phụ phẩm để gia tăng giá trị trong chế biến thủy sản.

Tỉnh cũng khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ, thiết bị sơ chế, bảo quản, các kho lạnh, bảo quản ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh thủy sản tập trung nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng nguyên liệu, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, thu hút đầu tư vào phát triển và ứng dụng công nghệ vệ tinh, viễn thám, GIS, GPS... vào quản lý, kiểm soát khai thác, bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh. Tỉnh còn thu hút đầu tư các dịch vụ hậu cần về chế biến thủy sản, cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định trong các khu sản xuất giống, vùng nuôi chuyên canh tập trung.

Nâng chất chuỗi liên kết

Theo Sở NN&PTNT, thời gian tới, An Giang tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tham gia làm thành viên hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) để thực hiện liên kết với DN theo chuỗi giá trị (từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật), nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và có tính cạnh tranh cao.

Ngành chuyên môn tỉnh mở các lớp tập huấn, tuyên truyền cho người dân về kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giúp nghề nuôi cá tra phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường năng lực hỗ trợ của đội ngũ kỹ thuật viên thủy sản hướng dẫn cho các hộ nuôi đạt chứng nhận chất lượng theo quy định.

Tỉnh hỗ trợ DN tiếp cận, đầu tư cải tiến, áp dụng các công nghệ mới, hiệu quả từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, quản lý chất lượng đến vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0 vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao các quy trình sản xuất theo chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, HACCP...).

An Giang tiếp tục thu hút, tạo điều kiện cho các DN có năng lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu thông qua triển khai Nghị quyết 112/2018/NQ-HĐND, ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh và Nghị định 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Sở NN&PTNT phối hợp các sở, ngành, địa phương hỗ trợ thành lập các HTX, THT về liên kết phát triển sản xuất ngành hàng cá tra; hàng năm xây dựng kế hoạch sản xuất nhằm duy trì và phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu. HTX, THT là đầu mối ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với DN tiêu thụ.

Ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cá tra cho các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết, HTX, THT; ưu tiên đào tạo, tập huấn cho nông dân ở các vùng sản xuất tập trung tham gia liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng cách cấp mã số vùng nuôi cá tra, cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

Ngân sách Nhà nước đầu tư hỗ trợ 100% các nội dung: Đào tạo, tập huấn và các hoạt động xúc tiến thương mại, thiết lập kênh thông tin thị trường; truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng nông, thủy sản.

HOÀNG XUÂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xuc-tien-thi-truong-cho-ca-tra-a398258.html
Zalo