Xuất khẩu tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Xuất khẩu (XK) 6 tháng đầu năm 2025 tăng 14,4%, vượt chỉ tiêu đề ra, với nhiều thị trường tăng trưởng ấn tượng và nhiều ngành hàng bứt phá mạnh mẽ. Kết quả này phản ánh rõ nỗ lực phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trong bối cảnh nửa cuối năm còn tiềm ẩn nhiều thách thức, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng XK cả năm ở mức 12% đòi hỏi sự quyết liệt và linh hoạt trong điều hành.
Dệt may, nông sản khởi sắc
Bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Thống kê Dịch vụ và Giá (Cục Thống kê), cho biết XK tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025, với kim ngạch đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại đạt 7,63 tỷ USD, góp phần ổn định cán cân vãng lai, tỷ giá và kiểm soát lạm phát.

Sầu riêng đóng vai trò chủ lực trong thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Trong nửa đầu năm, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm gần 92% tổng kim ngạch. Nhiều nhóm hàng gia công, lắp ráp tăng mạnh như điện tử, máy tính và linh kiện tăng 40%; hàng dệt may tăng 12,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 15,4%. Khối DN FDI tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong hoạt động XK. Bà Oanh nhấn mạnh, tăng trưởng XK mạnh mẽ không chỉ phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế mà còn tạo nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô.
Đáng chú ý, nhóm hàng dệt may đạt 18,7 tỷ USD. Riêng dệt may đã XK sang 132 thị trường, trong đó thị trường Mỹ dẫn đầu với gần 7 tỷ USD, tăng 17%, cho thấy sự phục hồi sản xuất và thích ứng nhanh của DN. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Dệt may đạt mức tăng trưởng doanh thu khoảng 8%, kim ngạch XK tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, lợi nhuận của nhiều DN cải thiện rõ rệt; riêng Vinatex, lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ông Trường cho biết, việc lợi nhuận tăng nhanh hơn doanh thu cho thấy giá bán hàng hóa đã được cải thiện tích cực. Đồng thời, nhờ các đơn hàng lớn, ổn định và dài hạn, DN chủ động hơn trong sản xuất. Thông thường, 6 tháng đầu năm chỉ chiếm khoảng 40% lợi nhuận cả năm, nhưng hiện nhiều DN đã nhận đơn hàng đến tháng 8 và 9, cho thấy tín hiệu tích cực về nhu cầu thị trường. Toàn ngành kỳ vọng với khối lượng đơn hàng sẵn có, sản xuất sẽ được đảm bảo từ nay đến cuối năm, giúp kim ngạch XK tăng khoảng 7 - 8% trong năm 2025.
XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, cà phê tiếp tục giữ vai trò chủ lực với kim ngạch đạt 5,45 tỷ USD, gần cán mốc mục tiêu cả năm chỉ sau nửa chặng - một con số kỷ lục đối với ngành hàng này. Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Khối Kinh doanh hàng hóa của Simexco Daklak cho biết, trong giai đoạn 2023-2024, công ty đạt doanh thu hơn 9.354 tỷ đồng, với sản phẩm XK đến trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng cà phê XK đạt hơn 100.000 tấn, kim ngạch đạt 287,7 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch XK của công ty tăng 5,3% về sản lượng và tăng tới 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá cà phê XK bình quân đạt 5.708,3 USD/tấn, tăng 59,1%, đưa tổng giá trị XK của công ty lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Ông Sơn cho biết, đà tăng giá mạnh đến từ nguồn cung nội địa suy giảm và thị trường toàn cầu thiếu hụt, trong khi nhu cầu cà phê Robusta ngày càng lớn. Dự kiến, XK cà phê cả năm 2025 có thể vượt 7 tỷ USD, thiết lập mốc mới cho ngành hàng này. Tuy nhiên, theo ông Sơn, các DN cà phê chủ yếu hoạt động theo mùa vụ, từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau. Giai đoạn từ tháng 7 đến 9/2025, lượng tồn kho trong dân thấp, lượng cam kết thu mua của DN cũng không lớn, nên sản lượng XK dự kiến duy trì quanh mức 110.000 tấn, tương đương năm trước. Dù vậy, giá trị XK được dự báo sẽ tăng khoảng 55%. Simexco tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống như EU, đồng thời tìm kiếm mở rộng sang các thị trường mới.
Cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp thị trường
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết ngành rau quả bước vào năm 2025 với nhiều thách thức khi kim ngạch XK giảm 7% so với cùng kỳ 2024 và ghi nhận chuỗi 5 tháng liên tiếp sụt giảm. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong tháng 6 khi kim ngạch XK đạt 807 triệu USD, tăng 31% so với tháng trước và hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực chính cho sự phục hồi ấn tượng này là mặt hàng sầu riêng, đặc biệt là sầu riêng đông lạnh - được mệnh danh là “vua trái cây” trong ngành rau quả. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã XK 388 lô sầu riêng đông lạnh với sản lượng 14.282 tấn, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ 2024.
Theo ông Nguyên, bước tiến này đến từ Nghị định thư XK sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 8/2024. Chính sách này đã mở đường cho nhiều DN đẩy mạnh XK, đặc biệt vào thị trường Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chủ lực của mặt hàng này. Đồng thời, công tác chuẩn hóa vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng được chú trọng. Tính đến tháng 6/2025, Việt Nam có 1.396 mã số vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được cấp mã, đáp ứng điều kiện XK. Các dữ liệu này đã được tích hợp vào hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Đáng chú ý, phía Trung Quốc đã phê duyệt bổ sung gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói mới, mở ra cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho sầu riêng tươi trong quý III/2025, nhất là vào mùa thu hoạch cao điểm từ tháng 8 đến tháng 10. Đối với sầu riêng tươi, DN đã chủ động kiểm tra kỹ hàm lượng Cadimi trước khi thu mua từ nhà vườn và thương lái, giúp nâng cao đáng kể tỷ lệ lô hàng đạt chuẩn XK. Với những tín hiệu tích cực từ sầu riêng và các giải pháp đồng bộ, ngành rau quả Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong những tháng tới.
Đối với ngành cà phê, các chuyên gia cũng cho rằng, để duy trì lợi thế XK và ổn định thị trường, ngành cà phê Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát biến động toàn cầu, đồng thời đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả chuỗi cung ứng trong nước.
Dù đạt kết quả tích cực, song, hoạt động XK của Việt Nam trong nửa cuối năm được dự báo sẽ gặp không ít thách thức. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng XK cả năm đạt 12%, các DN và cơ quan quản lý cần chủ động hơn trong cập nhật chính sách, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ và các điều chỉnh thuế quan từ các đối tác lớn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động XK trong thời gian tới. DN cần tăng cường hiểu biết pháp lý, chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại. Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) và tạo điều kiện cho DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc xây dựng Luật Thương mại điện tử và phát triển thị trường nội địa cũng là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy XK trong thời kỳ số hóa. Ngoài ra, cần tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tính minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, khuyến khích DN đẩy mạnh XK sang các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Á, Đông Âu, châu Phi và mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới.