Xuất khẩu lao động năm 2024: Mở thêm nhiều cơ hội việc làm thu nhập hấp dẫn
Trong năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã mở rộng một số thị trường đi làm việc ở nước ngoài có mức thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt tại Australia và khu vực châu Âu.
Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đang được duy trì ở mức hơn 150.000 người/năm. Đặc biệt, người lao động ngày càng có thêm các cơ hội đi làm tại các thị trường thu nhập hấp dẫn, phúc lợi tốt.
Đưa hơn 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 11 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 143.160 lao động, đạt 114 % kế hoạch năm 2024( theo kế hoạch, trong năm nay sẽ có từ 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Như vậy, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024 chắc chắn sẽ đạt trên 150.000 người.
Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như: Sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.
Về thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200-1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800-1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; từ 700-1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500-600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi...
Từ năm 2017 đến nay, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một kết quả rất tích cực thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây.
Hiện nay, nhiều chương trình, dự án như Chương trình Thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA)... đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đạt được nhiều kết quả.
Nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động, đào tạo nguồn nhân lực, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất với cơ quan chức năng phía Nhật Bản sớm triển khai việc đàm phán với cơ quan chức năng phía Việt Nam để tiến đến ký kết Thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ (MOC) về phái cử và tiếp nhận người lao động theo Chương trình Đào tạo lao động.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Nhật Bản bổ sung vào kế hoạch tổ chức kỳ thi đối với lao động kỹ năng đặc định tại Việt Nam trong 2 ngành nghề: Phục vụ nhà hàng và sản xuất thực phẩm, đồ uống vì đây là những ngành nghề nhiều lao động Việt Nam mong muốn được làm tại Nhật Bản. Phía Việt Nam đã cung cấp cho phía Nhật Bản thông tin khảo sát về nhu cầu thi kỹ năng đặc định trong 2 lĩnh vực này tại Việt Nam.
Việt Nam đang là nước phái cử nhiều lao động nhất sang Nhật Bản. Do đó, Việt Nam và Nhật Bản đang triển khai dự án thông tin thị trường lao động cho lao động di cư thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm tăng cường minh bạch trong quá trình tuyển dụng, ngăn chặn việc đơn vị dịch vụ trung gian thu phí trái quy định. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Thêm các cơ hội việc làm thu nhập cao
Bên cạnh các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) tiếp tục được duy trì ổn định trong năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu. Hiện nay, số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định khu vực châu Âu luôn được đánh giá là những thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam sang làm việc. Lao động Việt Nam đã bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường lao động quốc tế.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang thúc đẩy phát triển một số thị trường mới tiềm năng, tạo cơ hội mới cho người lao động khi lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài.
Một trong những thị trường việc làm tốt, thu nhập hấp dẫn được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai mới trong năm 2024 là Chương trình Di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam. Theo chương trình, Chính phủ Australia sẽ cho phép tối đa 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Australia tại cùng một thời điểm.
Người lao động Việt Nam tham gia Chương trình có thể làm công việc ngắn hạn (từ 6 đến 9 tháng) hoặc làm công việc dài hạn (từ 1 đến 4 năm). Vị trí việc làm của người lao động Việt Nam chỉ yêu cầu có kỹ năng nghề thấp đến bán lành nghề trong ngành nông nghiệp như trồng trọt, chế biến thịt, thủy sản (bao gồm nuôi trồng thủy sản) và lâm nghiệp. Người lao động được trả lương theo mức tối thiểu của Australia là 24 AUD/giờ, tính lương theo tuần khoảng 915 AUD/tuần và lương theo tháng là 3.660 AUD/tháng, tương đương khoảng hơn 60 triệu đồng.
Bên cạnh mở cửa thêm các thị trường thu nhập hấp dẫn, từ đầu năm 2024, công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan chức năng cũng tiếp tục thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đến nay, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, góp phần quan trọng giải quyết việc làm gắn với thu nhập cao cho người lao động./.