Xuất khẩu dừa vào Top 5 thế giới: Việt Nam cần làm gì để giữ vị thế?

Dừa đưa Việt Nam vào Top 5 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Gỡ các điểm nghẽn sẽ là chìa khóa để ngành dừa Việt Nam duy trì vị thế và bứt phá xuất khẩu.

Chế biến dừa còn thủ công, dẫn đến bất lợi về giá thành và logistics

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện diện tích trồng dừa cả nước khoảng 202 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch 181 nghìn ha, năng suất 125,6 tạ/ha, sản lượng 2,28 triệu tấn. Dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Canada,....

Ngành dừa Việt Nam cần có nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng. Ảnh: Minh họa

Ngành dừa Việt Nam cần có nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng. Ảnh: Minh họa

TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cho hay, hiên các vùng trồng dừa lấy nước có quy mô lớn đang dịch chuyển về Đông Nam bộ và Tây Nguyên thay vì chỉ tập trung ở Bến Tre, Tiền Giang hay Vĩnh Long như trước. Các vùng này hiện có diện tích từ 30-50 ha, đã được cấp mã số vùng trồng, có thể sẵn sàng cung ứng cho thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, giống giữa dừa uống nước và dừa lấy dầu có sự khác biệt, nếu không lựa chọn đúng loại và thời điểm thu hoạch, nước dừa có thể biến chất trong quá trình vận chuyển quốc tế.

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho hay, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng dừa lớn nhất cả nước nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, với hơn 20 giống dừa được canh tác theo hình thức vườn hộ.

Tuy nhiên, do tập quán người dân thường tự ý đưa giống mới về trồng, không qua chọn lọc, nên đã dẫn đến tình trạng trồng chéo, giống chéo, làm giảm chất lượng đầu ra. Chỉ đến khi có sự định hướng chuyên canh từ cơ quan chức năng và Hiệp hội, chất lượng dừa mới dần ổn định. Trong khi đó, ngành chế biến dừa còn thủ công, phần lớn gọt bằng tay để xuất khẩu, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng dây chuyền hiện đại, dẫn đến bất lợi về giá thành và logistics.

Để phát triển bền vững, ngành dừa Việt Nam cần có nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng. Do đó, cần sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các viện, trường để đưa ra giải pháp nâng cao năng suất, hiện đại hóa sản xuất.

“Chúng ta có thể chế biến dừa kết hợp cùng các loại quả khác như: chuối, dứa,... để đa dạng hóa sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị trái cây Việt Nam”, bà chia sẻ và lưu ý thêm, việc xây dựng bản đồ số vùng trồng dừa là cấp thiết nhằm khẳng định giá trị cây dừa và phục vụ truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, cần thúc đẩy hệ sinh thái cây dừa thông qua xen canh, tận dụng đặc tính giữ nước, cải tạo đất của dừa để tăng giá trị sinh thái và tín chỉ carbon.

Xây dựng thương hiệu, hạn chế xuất thô

Còn theo bà Trần Lệ Hoa, Phó ban Khoa học xã hội, Hiệp hội Dừa Việt Nam, quản lý vùng trồng bằng công nghệ GIS là bước đi tất yếu để ngành dừa Việt Nam chuyển mình theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.

Bà Hoa nhấn mạnh, ứng dụng GIS giúp xác định chính xác vị trí từng vườn dừa, diện tích, mật độ, số lượng cây trồng thông qua bản đồ số, từ đó tạo lập cơ sở dữ liệu đầy đủ và đồng bộ phục vụ cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.

Đặc biệt, việc tích hợp thông tin vùng trồng với mã QR là công cụ then chốt để thực hiện truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, nâng cao độ tin cậy của sản phẩm dừa trên thị trường quốc tế. Điều này không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn góp phần xây dựng thương hiệu dừa Việt Nam trên nền tảng minh bạch và bền vững.

Tuy nhiên, bà Hoa lưu ý, sau khi tổ chức sản xuất hiệu quả, cần tiếp tục đầu tư cho truyền thông. Với nông dân và HTX, nên đẩy mạnh truyền thông số, ứng dụng đa phương tiện để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Ở cấp quốc gia, cần chiến lược truyền thông bài bản, tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm để tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Hiện nay, toàn thế giới có 225 quốc gia có nhu cầu nhập khẩu nhưng đến thời điểm này chỉ có 179 quốc gia có trái dừa để xuất khẩu. Trong đó, có từ 5-6 quốc gia đạt sản lượng xuất khẩu trên 90%, trong đó, đứng đầu là Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Srilanka, Việt Nam và Malaysia.

Đến năm 2030, Việt Nam định hướng diện tích trồng dừa khoảng 195-210 nghìn ha, trong đó, có trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%.

ThS. Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhận định, chất lượng chưa đồng đều, ngành dừa cũng đang phải cạnh tranh mạnh từ Thái Lan, Indonesia; việc truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn GAP còn hạn chế là 3 thách thức đặt ra đối với ngành dừa.

Cơ hội thị trường cho trái dừa là rất lớn. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là tuân thủ truy xuất nguồn gốc. Mỗi doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân cần trở thành mắt xích minh bạch, chất lượng, an toàn trong chuỗi giá trị.

Để duy trì vị trí, thúc đẩy xuất khẩu dừa, trong thời gian tới, ngành dừa cần xây dựng thương hiệu, đầu tư chế biến sâu, xây dựng chuỗi liên kết bền vững đến phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, ngành dừa cũng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: Việt Nam hiện đứng thứ 4 về xuất khẩu dừa tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 trên thế giới. Bên cạnh thị trường Mỹ, Trung Quốc cũng đang dần trở thành thị trường xuất khẩu chính sản phẩm dừa của Việt Nam. Với Nghị định thư nhập khẩu chính ngạch được ký vào tháng 8/2024, mở ra cơ hội Việt Nam sẽ là nhà cung cấp dừa lớn thứ ba cho Trung Quốc, chiếm hơn 20% thị phần tại thị trường này.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-dua-vao-top-5-the-gioi-viet-nam-can-lam-gi-de-giu-vi-the-411256.html
Zalo