Xử lý thế nào với 31 siêu xe, 246 kg vàng, hàng triệu USD vụ TikToker Mr Pips Phó Đức Nam?

Theo các luật sư, nếu dàn 31 xe siêu sang đang bị tạm giữ mà được xác định là vật chứng, tài sản do phạm tội mà có, thì toàn bộ phương tiện sẽ bị tịch thu để sung quỹ Nhà nước theo quy định.

Tài sản sẽ bị tịch thu hay trả lại?

Công an quận Cầu Giấy vừa phối hợp các lực lượng khác thuộc Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan bị can Phó Đức Nam (SN 1994, trú Bà Rịa - Vũng Tàu, được biết đến là TikToker Mr Pips).

Khối tài sản khoảng 5.200 tỷ đồng bị thu giữ có thể liên quan đến hành vi sai phạm của Phó Đức Nam và đồng bọn.

Khối tài sản khoảng 5.200 tỷ đồng bị thu giữ có thể liên quan đến hành vi sai phạm của Phó Đức Nam và đồng bọn.

Xuyên suốt vụ án này, tình tiết được dư luận quan tâm đó là khối tài sản liên quan các đối tượng mà cơ quan chức năng thu giữ, phong tỏa để làm rõ. Bao gồm: 316 tỷ tiền trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỷ đồng, sổ tiết kiệm hơn 200 tỷ, 69 tỷ đồng, 2,3 triệu USD, 890 miếng vàng SJC, 246kg vàng nguyên khối.

Ngoài ra còn có 31 siêu xe, 131 bất động sản (tổng trị giá khoảng hơn 250 tỷ), 59 đồng hồ hàng hiệu (tổng trị giá khoảng 300 tỷ) cùng nhiều trang sức vàng, kim cương... Tổng giá trị khối tài sản nêu trên khoảng 5.200 tỷ đồng.

Đề cập đến các tình huống pháp lý khi xử lý khối tài sản khủng nêu trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định rõ, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội... có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Trong vụ án liên quan đối tượng Phó Đức Nam, luật sư nhìn nhận 31 siêu xe đắt tiền như đã nêu là số tài sản đáng chú ý nhất. Chuyên gia nhấn mạnh, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tập trung xác minh làm rõ nguồn gốc của dàn xe siêu sang đó, đặc biệt là xác định nguồn gốc hình thành số tài sản này.

"Cần làm rõ số tiền mua xe từ đâu mà có, có phải là tiền do hành vi phạm tội của các đối tượng mà có hay không", luật sư Giáp nêu quan điểm. Trường hợp xác định hơn 30 phương tiện đó là tài sản có được do hành vi phạm tội, thì sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng trong mỗi giai đoạn gồm điều tra, truy tố và xét xử sẽ đánh giá và đưa ra quyết định về việc xử lý vật chứng. Nếu vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy. Trường hợp vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu để tiêu hủy.

"Nếu dàn xe siêu sang đang bị tạm giữ mà được xác định là vật chứng, tài sản do phạm tội mà có thì toàn bộ phương tiện sẽ bị tịch thu để sung quỹ Nhà nước theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015", luật sư khẳng định.

Còn trong trường hợp các tài sản được xác định không phải vật chứng hoặc là vật chứng nhưng cơ quan tố tụng xét thấy không ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ án, thi hành án thì sẽ được xem xét trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Trong số tài sản bị thu giữ và phong tỏa có khoảng 2,3 triệu USD.

Trong số tài sản bị thu giữ và phong tỏa có khoảng 2,3 triệu USD.

Bị hại lấy lại tiền, tài sản bằng cách nào?

Cũng đưa ra quan điểm về xử lý vật chứng, một nguyên kiểm sát viên ở Hà Nội phân tích, trường hợp tài sản đang sở hữu của người bị kết tội chưa đủ để khắc phục hậu quả của vụ án, thì cơ quan thi hành án sẽ xử lý đến những tài sản kê biên, phong tỏa, bán phát mại.

"Điều quan trọng nhất là đánh giá được khả năng khắc phục hậu quả của các bị can đối với những người bị hại trong vụ án, đây là căn cứ để áp dụng các quy định của pháp luật một cách khéo léo, hiệu quả", nguyên kiểm sát viên nêu ý kiến.

Cũng theo các chuyên gia, những nhà đầu tư được xác định đã nạp tiền (theo thông tin điều tra là khoảng 50 triệu USD) cho nhóm lừa đảo có thể được xác định là các bị hại của vụ án. Khi đó, điều đầu tiên các bị hại cần làm là trình báo cơ quan công an để có căn cứ xác định là người bị hại trong vụ án hình sự, từ đó cung cấp hồ sơ, tài liệu... liên quan đến việc đầu tư.

"Thông qua những tài liệu, hồ sơ mà người bị hại cung cấp, cơ quan điều tra sẽ làm rõ được phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng. Đồng thời xác định được hậu quả số tiền mà các đối tượng đã chiếm đoạt của nạn nhân để làm căn cứ bồi thường", luật sư đánh giá.

Theo điều tra, từ năm 2021, Phó Đức Nam cấu kết với Lê Khắc Ngọ (đang bị truy nã quốc tế) liên kết với một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có văn phòng điều hành tại TP Phnom Penh (Campuchia). Các đối tượng chỉ đạo 7 nhân viên ở Việt Nam thành lập nhiều công ty "ma" đặt trụ sở tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành khác.

Các đối tượng dụ dỗ hơn 2.600 nhà đầu tư giao dịch nhiều lần với số tiền ít, có lãi và rút tiền được. Sau đó dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để thúc đẩy họ nâng vốn giao dịch. Khi nhà đầu tư thua lỗ, Nam và đồng bọn tiếp tục đưa ra thông tin sai sự thật để "lùa gà", tiếp tục khiến bị hại chuyển thêm tiền để gỡ vốn.

Đến khi nạn nhân không còn khả năng về tài chính, các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà họ đã chuyển. Công an xác định có 2.661 nhà đầu tư đã nạp vào hệ thống lừa đảo của Phó Đức Nam tổng cộng khoảng 50 triệu USD.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xu-ly-the-nao-voi-31-sieu-xe-246-kg-vang-hang-trieu-usd-vu-tiktoker-mr-pips-pho-duc-nam-192241212215232863.htm
Zalo