Xử lý khẩn cấp các sự cố lún, nứt mặt đê ở trên địa bàn thành phố Hà Nội

Hiện nay, trên tuyến đê hữu Cầu đoạn từ K25+630-K25+680 xã Đa Phúc và đê hữu Hồng đoạn từ K33+200-K33+800 xã Phúc Lộc đã xảy ra sự cố lún, nứt mặt đê và đang có xu hướng phát triển mở rộng thêm.

Đê hữu Cầu. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Đê hữu Cầu. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đề nghị xử lý khẩn cấp các sự cố lún, nứt mặt đê hữu Cầu, xã Đa Phúc và đê hữu Hồng, xã Phúc Lộc; không để các sự cố phát triển thêm.

Theo báo cáo, trên tuyến đê hữu Cầu đoạn từ K25+630-K25+680 xã Đa Phúc và đê hữu Hồng đoạn từ K33+200-K33+800 xã Phúc Lộc (Hà Nội) đã xảy ra sự cố lún, nứt mặt đê và đang có xu hướng phát triển mở rộng thêm.

Những sự cố nghiêm trọng trên ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và khả năng chống lũ của đê, trong khi tình hình mưa lũ hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp. Hơn thế, các khu vực đê trên đã nhiều lần xảy ra sự cố lún, nứt, được xác định là trọng điểm đê điều xung yếu của thành phố nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo an toàn chống lũ của các tuyến đê, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để xử lý khẩn cấp các sự cố nêu trên.

Đối với sự cố lún, nứt đê hữu Cầu, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội cần nghiên cứu thực hiện theo phương án đắp áp trúc mở rộng đê như Tổng cục Phòng, chống thiên tai (nay là Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) đã có ý kiến gửi thành phố tại văn bản số 67/PCTT QLĐĐ ngày 25/1/2019 nhưng chưa được triển khai thực hiện).

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến các sự cố và tình hình mưa lũ để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh (nếu có) ngay từ giờ đầu, không để các sự cố phát triển thêm.

Ngoài ra, Hà Nội cần rà soát, phê duyệt điều chỉnh phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu đê hữu Cầu đoạn từ K22+800 - K26+000 và đê hữu Hồng đoạn từ K32+000 - K35+000 theo hiện trạng thực tế sự cố đã xảy ra và triển khai phương án bảo vệ; trong đó, lưu ý chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xu-ly-khan-cap-cac-su-co-lun-nut-mat-de-o-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-post1051194.vnp
Zalo