Xử lý dự án bất động sản gặp khó: Làm rõ nội hàm 'không hợp thức hóa các vi phạm'
Yêu cầu xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, Quốc hội lưu ý không 'hình sự hóa' các quan hệ kinh tế - dân sự; làm rõ nội hàm 'không hợp thức hóa các vi phạm'.
Chiều 23/11, với 421/423 đại biểu tán thành (1 vị không tán thành, 1 vị không biểu quyết), Quốc hội thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Tại Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có sự thay đổi. Việc giải quyết trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố thực tiễn khách quan, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích chung, tổng thể, giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế - dân sự; làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm”.
Báo cáo về vấn đề này trước khi đại biểu bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc giao Chính phủ hướng dẫn về “không hợp thức hóa các vi phạm”, vì đây là vấn đề lớn, cần báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc do Quốc hội quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và chỉnh sửa Dự thảo Nghị quyết theo hướng giao Chính phủ làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm” trong quá trình xây dựng các phương án giải quyết, xử lý dự án gặp vướng mắc pháp lý, ông Thanh cho hay.
Bên cạnh nhiệm vụ trên, Chính phủ còn được yêu cầu giải quyết dứt điểm những dự án thuộc phạm vi xử lý theo thẩm quyền hoặc đã được phân cấp, giao quyền cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương.
Yêu cầu tiếp theo từ Quốc hội là tiếp tục rà soát các dự án khác có khó khăn, vướng mắc pháp lý, hạn chế tối đa ảnh hưởng của việc rà soát đến hoạt động kinh doanh bình thường, liên tục và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp và người dân. Phân loại, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất cơ chế giải quyết phù hợp để báo cấp có thẩm quyền;
Chính phủ cũng được yêu cầu có giải pháp cụ thể và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quản lý, sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách xử lý đối với trường hợp phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch; có giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã ký kết, hoàn thành trong năm 2025.
Nhiệm vụ tiếp theo Chính phủ cần làm ngay là tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở.
Thực hiện giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” bảo đảm tiến độ, chất lượng và phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng.
Rà soát việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo để tích cực triển khai hiệu quả. Có giải pháp thiết thực để cải tạo chung cư cũ xuống cấp, không bảo đảm an toàn và điều kiện sống của người dân.
Rà soát các công trình, dự án nhà ở phục vụ tái định cư, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đáp ứng điều kiện sống của người dân tại khu tái định cư, có giải pháp phù hợp để sớm khắc phục tình trạng chậm đưa vào sử dụng, tránh lãng phí, Nghị quyết nêu rõ.
Sau giám sát, Quốc hội còn giao nhiệm vụ cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khắc phục những hạn chế đã bộc lộ, tạo cơ sở phát triển bền vững thị trường vốn, từng bước nâng cao vai trò của thị trường vốn đối với việc cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu và thực hiện các nghĩa vụ khi đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, Hệ thống quy hoạch quốc gia, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn kết nối với Hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư và các hệ thống thông tin khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu thông tin về thị trường bất động sản công khai, minh bạch, đầy đủ và thường xuyên được cập nhật.
Có cơ chế cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch bất động sản trở thành công cụ thực sự hữu hiệu góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường bất động sản. Đẩy nhanh việc xây dựng và đưa vào sử dụng đồng bộ, thống nhất cơ sở dữ liệu về nhà ở xã hội, đối tượng thụ hưởng chính sách, công cụ rà soát, quản lý đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để giúp cho công tác xét duyệt được nhanh chóng, thuận lợi và hạn chế trục lợi chính sách.
Tiếp tục tích cực triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Khuyến khích các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo “sốt” giá, Quốc hội yêu cầu.
Nghị quyết cũng yêu cầu chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở, để thực hiện mục tiêu người dân có chỗ ở đáp ứng yêu cầu công việc và phù hợp với thu nhập, thực hiện đồng bộ chính sách cải cách tiền lương.