Xử lý chất thải chăn nuôi: việc cần kíp để bảo vệ môi trường
Chất thải chăn nuôi vẫn là một vấn đề môi trường nan giải, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Việc xả thải không qua xử lý không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Hình ảnh môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do một trang trại chăn nuôi lợn ở tỉnh Thanh Hóa xả trực tiếp chất thải chưa qua xử lý ra môi trường gây rúng động dư luận vào đầu năm 2025.
Chất thải chăn nuôi được hiều gồm tất cả các loại chất thải, bao gồm chất thải rắn, lỏng và khí, được tạo ra trong quá trình chăn nuôi động vật, như phân, nước tiểu, thức ăn thừa, nước rửa chuồng, lông, da và các chất thải khác. Những chất thải này có thể gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý đúng cách.
Mối nguy hại tiềm tàng cho môi trường
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện trên toàn lãnh thổ nước ta có khoảng 23.662 trang trại nông nghiệp, trong đó có 1.627 cơ sở nuôi lợn từ 1.500 con trở lên, tổng số lợn là 6,8 triệu con (chiếm 25,9% tổng đàn lợn cả nước); có 61 cơ sở nuôi bò từ 300 con trở lên, tổng số lợn là gần 260 ngàn con (chiếm 4,4% tổng đàn bò cả nước).
Với số lượng trang trại chăn nuôi lớn như vậy, lượng chất thải chăn nuôi thải ra hàng ngày là vô cùng lớn. Theo tính toán thì lượng chất thải mà các vật nuôi có thể thải ra hàng năm khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25 - 30 triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại). Trong đó, khoảng 50% lượng chất thải rắn (36,5 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20 - 24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi thì với tổng khối chất thải nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2. Các nhà nghiên cứu đã ước tính được rằng chăn nuôi gây ra 18% khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên (biến đổi khí hậu toàn cầu), lớn hơn cả phần do giao thông vận tải gây ra.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, chất thải chăn nuôi chứa nhiều chất hữu cơ, vi khuẩn và mầm bệnh, khi xả trực tiếp ra môi trường sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, gây ảnh hưởng đến sinh vật thủy sinh và có thể gây bệnh cho người. Nồng độ cao các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như nitơ và phốt pho, trong chất thải động vật có thể gây ra sự phát triển quá mức của tảo trong các vùng nước, dẫn đến cạn kiệt oxy và gây hại cho đời sống thủy sinh.
Ngoài ra, sự hiện diện của mầm bệnh trong chất thải động vật gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu nguồn nước được sử dụng để uống hoặc các hoạt động giải trí. Chất thải chăn nuôi khi bị xả trực tiếp ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao.

Để xử lý chất thải chăn nuôi hiện đang có nhiều công nghệ hiệu quả, trong đó công nghệ biogas đang phổ biến nhất.
Nâng cao chế tài, đẩy mạnh công nghệ
Trước những mối nguy hại về môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có những biện pháp cứng rắn, cả trên phương diện chính sách, chế tài lẫn công nghệ xử lý mới mong “giải” được “bài toán” khó này. Về mặt chính sách, để quản lý tốt các loại chất thải chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nói chung và các cơ sở chăn nuôi nói riêng.
Trên thực tế, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 với những quy định cụ thể về xử lý sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, xác vật nuôi, phụ phẩm nông nghiệp đã đáp ứng tương đối đầy đủ tiêu chí này. Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi năm 2018 cũng đưa ra quy định rõ ràng về việc xử lý chất thải chăn nuôi. Ngoài ra có thể kể đến Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi cũng là hành lang pháp lý tương đối hoàn thiện trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng các trang trại chăn nuôi cố tình xả trộm chất thải chưa qua xử lý ra môi trưởng, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong người dân vẫn liên tục xảy ra. Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chế tài xử phạt vẫn còn tương đối nhẹ.
Cụ thể, theo Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại thì hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, xử lý nước thải chăn nuôi, xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi chỉ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Rõ ràng, đây là mức phạt quá nhẹ so với những hệ lụy mà hành vi xả thải ra môi trường có thể gây ra. “Cần nâng cao chế tài xử phạt đối với hành vi xả chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường, như vậy mới đủ sức răn đe” – luật sư Ứng nhận định.
Ngoài vấn đề chế tài, các chuyên gia môi trường cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ trang trại chăn nuôi cũng như công tác quản lý, giám sát và xử phạt vi phạm của các cơ quan, lực lượng chức năng còn chưa hiệu quả cũng là những nguyên nhân không nhỏ khiến cho tình trạng xả trộm chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường vẫn nhức nhối như hiện nay.
Để giải quyết tình trạng này, cần tăng cường cơ chế giám sát trong nhân dân, cơ chế giám sát chéo giữa các cơ quan, đơn vị chức năng và đặc biệt phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng địa phương. Cần có cơ chế quy trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn.
Ngoài ra, một giải pháp không kém phần quan trọng là xây dựng các mô hình trang trại xanh, trang trại bền vững, thân thiện với môi trường. Ở đó, các trang trại chăn nuôi phải được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đúng quy hoạch và đặc biệt, quy hoạch trang trại chăn nôi phải gắn với quy hoạch bảo vệ môi trường. Kiên quyết không triển khai các dự án chăn nuôi mới không tuân thủ quy hoạch. Đề xuất lộ trình di chuyển các cơ sở ngoài quy hoạch vào trong địa bàn quy hoạch để thực hiện tốt hơn công tác quản lý bảo vệ môi trường đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn để quản lý an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, để hướng tới chăn nuôi bền vững và hiệu quả kinh tế cao, việc xử lý chất thải là một giải pháp quan trọng, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế từ các sản phẩm xử lý. Việc ứng dụng công nghệ xử lý chất thải không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mở ra nhiều cơ hội tái sử dụng hiệu quả. Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần có sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại, chính sách hỗ trợ và ý thức bảo vệ môi trường từ cộng đồng.
Hiện nay, việc xử lý chất thải chăn nuôi chủ yếu áp dụng các phương pháp như biogas, ủ phân compost, lọc sinh học… Trong đó, công nghệ biogas là phương pháp phổ biến trong xử lý chất thải hữu cơ từ phân động vật. Quá trình phân hủy yếm khí trong môi trường không có oxy tạo ra khí methane (CH₄), có thể sử dụng làm năng lượng thay thế. Còn phương pháp ủ phân compost là phương pháp xử lý chất thải hữu cơ bằng cách phân hủy sinh học trong điều kiện hiếu khí, tạo ra phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng. Công nghệ này thân thiện với môi trường và giúp tái sử dụng chất thải để sản xuất phân bón cho nông nghiệp. Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh có thể thúc đẩy quá trình phân hủy và cải thiện chất lượng phân bón.