Xử lý 217 dự án tồn đọng tại Khánh Hòa

Khánh Hòa vừa lập Ban Chỉ đạo để xử lý dứt điểm 217 dự án tồn đọng, bao gồm cả các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại những dự án chậm tiến độ, tồn đọng trên địa bàn

Điểm mặt loạt dự án chậm tiến độ

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa gửi Bộ Tài chính, qua rà soát các dự án gặp khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài trên địa bàn tỉnh, có tổng cộng 217 dự án và cơ sở nhà đất.

Trong đó, có 13 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) thuộc nhóm dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và 204 dự án thuộc nhóm dự án đầu tư chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng.

Đối với nhóm 13 dự án BT, có 12 dự án vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương và 1 dự án thuộc thẩm quyền của địa phương. Nổi bật trong nhóm này là 3 dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn, bao gồm: Các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang (cũ) với số vốn 1.015 tỉ đồng; đường Vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội (1.196 tỉ đồng) và dự án Nút giao Ngọc Hội (1.351 tỉ đồng). Ba dự án này vướng mắc về việc xác định giá đất thanh toán theo Kết luận số 77-KL/TW (ngày 2-5-2024) của Bộ Chính trị và sẽ được xử lý theo kết luận của cơ quan điều tra, bản án của tòa án.

Ngoài ra, 10 dự án BT khác cũng đang vướng mắc về quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư (quỹ đất là trụ sở tài sản công, quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, quỹ đất dự kiến lớn hơn nhiều lần giá trị dự án BT) và đang chờ các cơ quan Trung ương ban hành quy định sửa đổi các nghị định liên quan. Có thể kể đến các dự án: Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa (giai đoạn 1), Cột ăng-ten và trụ sở làm việc của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang, Đường số 4 (đoạn từ đường số 6 đến đường số 23), Đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, Hệ thống thu gom và xử lý nước thải Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh…

Đối với nhóm các dự án đầu tư ngoài ngân sách, có 163 dự án vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương và 41 dự án thuộc thẩm quyền của địa phương.

Các dự án vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương được chia làm 6 nhóm vấn đề. Cụ thể: 46 dự án vướng mắc liên quan đến thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư đã được thanh tra, kết luận; 79 dự án vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất; 2 dự án đã xây dựng và bỏ hoang (khách sạn Bavico, Bến du thuyền Hoàng Gia); 9 dự án vướng mắc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; 26 dự án trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; và 1 khu "đất vàng" tại số 48-48A Trần Phú, phường Nha Trang vẫn chưa được xử lý.

Khu đất số 48-48A đường Trần Phú bỏ hoang gần 20 năm nay

Khu đất số 48-48A đường Trần Phú bỏ hoang gần 20 năm nay

Lập tổ công tác đặc biệt

Để giải quyết các dự án vướng mắc, tồn đọng, ông Trần Quốc Nam vừa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại những dự án chậm tiến độ trên địa bàn. Ban Chỉ đạo sẽ rà soát, phân loại và đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm trong năm 2025, đặc biệt với các dự án trọng điểm, mang tính động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn lập tổ công tác với nhiệm vụ rà soát các dự án có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên địa bàn tỉnh, từ đó tổng hợp, báo cáo, đề xuất và tham mưu cho UBND tỉnh xử lý theo quy định.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng thành lập 3 tổ công tác đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Trước đó, UBND tỉnh đã báo cáo các vướng mắc của 217 dự án nói trên. Trong đó, đối với 3 dự án BT liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Quốc phòng khẩn trương bàn giao phần diện tích đất quốc phòng (tại sân bay Nha Trang cũ) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư; thống nhất quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để làm cơ sở xác định giá đất và quản lý quỹ đất này. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị được hướng dẫn phương pháp thanh toán đối với các hợp đồng BT theo quy định pháp luật hiện hành.

Đối với nhóm các dự án vướng mắc về việc sử dụng trụ sở làm việc (tài sản công) để thanh toán cho nhà đầu tư, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định sửa đổi Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, cụ thể là bổ sung quy định về xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp hợp đồng đã ký chưa đúng quy định pháp luật hoặc chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Đối với nhóm các dự án có vướng mắc liên quan đến thiếu sót trong thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, tỉnh Khánh Hòa đề nghị cho phép địa phương xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn theo hướng tương tự với các dự án trong Nghị quyết số 170/2024/NQ-QH15 của Quốc hội. Trước đó, Nghị quyết này đã cho phép tỉnh Khánh Hòa xử lý 11 dự án tồn đọng theo hướng giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Tổ chức đấu giá lại

Khu đất "vàng" tại số 48-48A Trần Phú, phường Nha Trang với diện tích hơn 3.642 m² ngay tại quảng trường trung tâm, đã bị bỏ hoang suốt 20 năm.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị phương án xử lý dựa trên kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc là hoàn trả cho nhà đầu tư số tiền 236 tỉ đồng (số tiền trúng đấu giá năm 2008 đã nộp ngân sách) và không tính lãi.

Dự kiến trong năm 2025, tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng phương án để tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng đất khu đất này theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xu-ly-217-du-an-ton-dong-tai-khanh-hoa-196250721215001643.htm
Zalo