Xử lý 14 sự cố điện do mưa dông trong vòng 15 phút
Chỉ trong 15 phút sau khi mưa dông xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, ngành điện đã nhanh chóng xử lý 14 sự cố, cấp điện trở lại kịp thời cho khách hàng, thể hiện tinh thần trực chiến 24/7 và phản ứng nhanh.

CBCNV PC Thái Nguyên khắc phục sự cố lưới điện do giông lốc trong chiều 19/7. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho biết, chiều 19/7, tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Phú Thọ đã xảy ra mưa dông diện rộng, nhiều nơi có dông mạnh kèm lốc xoáy và gió giật mạnh. Cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Một số trạm ghi nhận gió giật mạnh như Cửa Ông (Quảng Ninh) 16m/s (cấp 7), Bãi Cháy (Quảng Ninh) 26m/s (cấp 10), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 18m/s (cấp 8).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nguyên nhân gây mưa dông mạnh là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc Bộ, kết hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài ở khu vực Bắc Bộ và dải đất từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa. Nhiệt độ phổ biến từ 35–38°C trong các ngày 17–19/7 đã tạo điều kiện cho dòng thăng mạnh hình thành trong khí quyển bất ổn định, dẫn đến mưa dông mạnh trên diện rộng.

Mưa to kèm lốc xoáy khiến lưới điện tại một số khu vực địa bàn tỉnh Bắc Ninh bị thiệt hại do mái tôn, vật lạ và cây gẫy đổ vào đường dây... Trong ảnh: Đội Quản lý điện lực khu vực (QLĐL KV) Lục Nam xử lý sự cố do mái tôn bay vào đường dây lúc 20h00'. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Đây là một hệ thống siêu dông vùng nhiệt đới (Mesoscale Convective Systems – MCSs), là các tổ hợp mây dông quy mô trung bình, thường gây mưa rất to và đi kèm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Hệ thống này có đường kính từ vài km đến vài trăm km, gồm nhiều cụm mây dông phát triển kết hợp lại và có thể tồn tại trong nhiều giờ, thậm chí từ 12 đến 24 giờ, với cường độ và thời gian ảnh hưởng lớn hơn dông đơn lẻ.
Trong sáng và trưa ngày 19/7/2025, Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, phía Đông Quảng Ngãi đến Đắk Lắk và Khánh Hòa tiếp tục xảy ra nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến 35–37°C, có nơi trên 38°C. Hệ thống điện miền Bắc ghi nhận mức công suất tiêu thụ rất cao, đạt 26.115 MW vào lúc 13 giờ 30 phút.
Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, khi mưa dông xuất hiện, phụ tải hệ thống điện miền Bắc giảm mạnh khoảng 6.000–7.000 MW, tương ứng 25–30% công suất so với mức cao điểm chiều và công suất cực đại 26.998 MW được ghi nhận vào ngày 18/7 trước đó.

Công ty Điện lực (PC) Ninh Bình cho biết, thống kê đến 20h30 có 86 đường dây trung áp bị ảnh hưởng, trong đó 47 đường dây đã được khôi phục, còn 39 đường dây đang tiếp tục được kiểm tra và xử lý. Trong ảnh: Công nhân Đội QLĐL KV Trực Ninh khắc phục sự cố vào lúc 19h02'. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Cùng thời điểm, trên hệ thống điện miền Bắc đã xảy ra 14 sự cố lưới điện 110kV và 220kV do ảnh hưởng của mưa dông diện rộng. Ngay sau khi các sự cố xảy ra, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NSMO) đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các đơn vị quản lý vận hành và các bên liên quan để xác định nguyên nhân, xử lý sự cố. Trong vòng từ 5–15 phút, việc cấp điện cho phụ tải đã được khôi phục hoàn toàn.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, theo dõi sát diễn biến thời tiết, cùng sự chủ động và phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị vận hành, hệ thống điện Quốc gia vẫn duy trì được trạng thái vận hành an toàn, ổn định, tối ưu, đáp ứng yêu cầu cao về an ninh cung ứng điện.

Lưới điện tại một số xã Lạc Sơn, Lương Sơn, Lạc Thủy, Hòa Bình, Phúc Yên, Tam Dương (tỉnh Phú Thọ) đã ghi nhận thiệt hại với 22 đường dây trung áp bị sự cố, gãy đổ 3 cột... Trong ảnh: Đội QLĐL KV Lạc Sơn xử lý sự cố lúc 22h00'. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Theo cập nhật từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 4 giờ sáng ngày 20/7, vị trí tâm bão số 3 (WIPHA) ở khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 830km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 11 (103–117 km/h), giật cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20–25 km/h và có khả năng mạnh thêm, với cường độ gió cấp 11–12, giật cấp 15.
Từ ngày 21–23/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ dự kiến xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100–200mm, có nơi trên 300mm. Riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có thể mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200–350mm, cục bộ có nơi trên 600mm.

Tại PC Thanh Hóa, theo thống kê sơ bộ, các khu vực bị ảnh hưởng nặng gồm Bỉm Sơn - Hà Trung, Hoằng Hóa và Cẩm Thủy với hàng chục cột điện gặp sự cố như gãy đổ, đứt dây... Trong ảnh: Công nhân thao tác cô lập sự cố lúc 22h00. Tất cả đang nỗ lực để cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 5380/CĐ-BCT ngày 19/7/2025 về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (WIPHA), NSMO đã và đang chủ động theo dõi sát diễn biến thời tiết và triển khai các phương án đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục.
NSMO đã có văn bản gửi các Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền yêu cầu chủ động ứng phó với bão số 3; trong đó, bao gồm điều chỉnh huy động nguồn điện, tạm hoãn các công việc trên hệ thống điện tại khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng, rà soát hệ thống rơ-le bảo vệ và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành.
Đồng thời, NSMO phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện và các đơn vị liên quan trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của bão. Việc theo dõi sát tình hình tiếp tục được duy trì trong các ngày tới nhằm kịp thời ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết.