Xu hướng tiêu dùng thực phẩm chế biến tại Thụy Điển: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
Người tiêu dùng Thụy Điển ngày càng ưa chuộng thực phẩm chế biến từ thực vật, hữu cơ, giàu dinh dưỡng... mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Vụ trưởng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Vụ trưởng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu
Sự chuyển dịch rõ nét trong thị hiếu tiêu dùng
- Thưa bà, xin bà cho biết những xu hướng nổi bật trong hành vi tiêu dùng thực phẩm chế biến tại thị trường Thụy Điển hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Một trong những xu hướng rõ nét nhất tại Thụy Điển hiện nay là người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn thực phẩm thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe và thuận tiện trong sử dụng.
Cụ thể, thứ nhất, thực phẩm hữu cơ đang phát triển mạnh mẽ. Thụy Điển là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng đất nông nghiệp hữu cơ cao nhất thế giới, với 20% diện tích đất nông nghiệp được dùng cho sản xuất hữu cơ. Mục tiêu đến năm 2030 là nâng tỷ lệ này lên 30%. Các sản phẩm hữu cơ không chỉ được lựa chọn vì lý do sức khỏe mà còn vì người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường rất cao.
Thứ hai, sản phẩm từ thực vật như sữa hạt, thịt và phô mai thực vật đang bùng nổ. Xu hướng ăn chay, hoặc giảm tiêu thụ thịt đỏ vì các lý do đạo đức và khí hậu đang lan rộng. Có đến 44% người tiêu dùng Thụy Điển cho biết họ đã giảm lượng thịt đỏ trong khẩu phần ăn.
Thứ ba, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm tới thực phẩm lành mạnh. Những sản phẩm ít đường, không gluten, không lactose, giàu chất xơ, giàu probiotics... được tiêu thụ mạnh. Đây là hệ quả của dân số già hóa, thay đổi lối sống sau đại dịch, và nhận thức cao về sức khỏe.

Người tiêu dùng Thụy Điển ngày càng ưa chuộng thực phẩm chế biến từ thực vật, hữu cơ, giàu dinh dưỡng (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, yếu tố tiện lợi và thương mại điện tử cũng đóng vai trò không nhỏ. Những sản phẩm chế biến sẵn, dễ sử dụng và được giao tận nhà đang chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh cuộc sống bận rộn và thói quen tiêu dùng số lên ngôi.
Bền vững là "tấm vé thông hành" cho sản phẩm thực phẩm
- Bà đánh giá thế nào về vai trò của yếu tố bền vững trong hành vi tiêu dùng và hoạt động của doanh nghiệp thực phẩm tại Thụy Điển hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Có thể nói tính bền vững không còn là lợi thế cạnh tranh riêng lẻ, mà đã trở thành một chuẩn mực. Người tiêu dùng Thụy Điển, đặc biệt là thế hệ trẻ, có yêu cầu rất cao về trách nhiệm môi trường và xã hội. Họ không chỉ nhìn vào sản phẩm cuối cùng, mà còn quan tâm tới toàn bộ chuỗi cung ứng: nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, bao bì đóng gói, vận chuyển và cả xử lý sau tiêu dùng.
Các doanh nghiệp lớn tại Thụy Điển như Coop, ICA hay Arla Foods đã có chiến lược bền vững rõ ràng. Ví dụ, Arla đã giảm 40% lượng nhựa trong bao bì sữa, cắt giảm 30% lượng khí thải CO₂, và sử dụng vật liệu có thể tái chế 100%. Họ cũng áp dụng tiêu chuẩn KRAV - một chứng nhận hữu cơ khắt khe hơn cả tiêu chuẩn EU.
Ngoài ra, những sản phẩm có chứng nhận như MSC (thủy sản bền vững), Fair Trade (công bằng thương mại) hay bao bì thân thiện môi trường đều rất được ưa chuộng. Việc hỗ trợ nông sản nội địa cũng được người tiêu dùng Thụy Điển coi như một hành động bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và kinh tế địa phương.
Do đó, để bước vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rằng "bền vững" không chỉ là một lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
- Trước xu hướng đó, theo bà, các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam cần lưu ý gì để tiếp cận thị trường Thụy Điển hiệu quả hơn?
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Thị trường Thụy Điển và nói rộng ra là Bắc Âu không chỉ yêu cầu về chất lượng, mà còn rất khắt khe về giá trị đạo đức, môi trường và tính minh bạch.
Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thông qua ba hướng đi chính. Theo đó, cần tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật và hữu cơ. Việt Nam có lợi thế về nguyên liệu tự nhiên, nông sản nhiệt đới phong phú. Đây là thế mạnh cần được chuyển hóa thành sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ quốc tế. Đồng thời, nên phát triển sản phẩm từ thực vật, phù hợp xu hướng “plant-based” (thực phẩm có nguồn gốc thực vật) đang bùng nổ.
Bên cạnh đó, chứng nhận và minh bạch thông tin là yếu tố quyết định. Các sản phẩm cần có chứng nhận quốc tế như EU Organic, MSC, Fair Trade, và có thông tin rõ ràng về truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất. Bao bì sản phẩm nên thân thiện môi trường và thể hiện thông tin minh bạch bằng tiếng Anh hoặc tiếng Thụy Điển.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thích nghi với kênh bán hàng số và thương mại điện tử. Người tiêu dùng Thụy Điển rất quen thuộc với việc mua thực phẩm online. Các nền tảng như Mathem, ICA Online, Coop… đều phát triển mạnh. Do đó, doanh nghiệp Việt cần xây dựng năng lực số, tiếp cận đối tác phân phối có kinh nghiệm, và có chiến lược truyền thông phù hợp.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng thị trường Thụy Điển rất cởi mở với sản phẩm đổi mới, sáng tạo, miễn là chúng phù hợp giá trị bền vững và sức khỏe. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức để doanh nghiệp Việt nâng cấp sản phẩm, nâng cấp chuỗi giá trị, hướng tới chất lượng thay vì chỉ giá rẻ.
Xin cảm ơn bà!
Thụy Điển là thị trường có thu nhập cao, nhận thức tiêu dùng phát triển và yêu cầu cao về môi trường. Đây là điểm đến tiềm năng cho thực phẩm chế biến của Việt Nam nếu doanh nghiệp đáp ứng tốt ba yếu tố: chất lượng - bền vững - minh bạch.