Xót xa thảm cảnh đói ăn và hiểm nguy viện trợ ở Gaza
Viện trợ ở Gaza thắp hy vọng giữa cảnh đói ăn cùng cực, nhưng cũng khiến người dân đối mặt hiểm nguy chết người khi tìm nhận lương thực.
Dải Gaza đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng khi xung đột kéo dài và chưa thấy hồi kết. Tình trạng đói ăn ngày càng cùng cực và lan rộng, việc tiếp cận viện trợ lại rình rập hiểm nguy.
Nơi đói ăn nhất Trái Đất
Thảm họa nhân đạo ở Gaza đã tới mức báo động đỏ. Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), Gaza là nơi duy nhất trên thế giới hiện nay mà toàn bộ dân số - hơn 2,2 triệu người - đều nằm trong diện “có nguy cơ đối mặt nạn đói”.
“Một trăm phần trăm dân số có nguy cơ nạn đói. Gaza là nơi đói ăn nhất trên Trái Đất” -theo phát ngôn viên Jens Laerke của Văn phòng Điều phối Nhân đạo LHQ.
Theo tờ The Guardian, tình trạng này bắt nguồn từ lệnh phong tỏa toàn diện của Israel kéo dài suốt ba tháng, từ tháng 3 đến tháng 5. Trong khoảng thời gian đó, hầu như không có hàng hóa nhân đạo nào được phép đi vào Gaza.
Trong lúc đó, hệ thống viện trợ của LHQ - đặc biệt Cơ quan cứu trợ và việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) - bị cản trở nghiêm trọng. Một thống kê từ UNRWA cho thấy cứ 10 trẻ em được kiểm tra, thì có ít nhất 1 em rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng. Trong khi đó, những kho hàng nhân đạo thậm chí còn bị cướp phá. Tại một bệnh viện dã chiến ở Deir al-Balah, một nhà kho của LHQ bị những cá nhân có vũ trang đột nhập, lấy đi lượng lớn thuốc men, thiết bị y tế và thực phẩm dành riêng cho trẻ suy dinh dưỡng.
Giữa lúc mạng lưới cứu trợ quốc tế bị bóp nghẹt, Israel và Mỹ đã thúc đẩy một cơ chế viện trợ thay thế, gọi là Tổ chức Nhân đạo Gaza (GHF). GHF bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 5 với tuyên bố sẽ đảm bảo viện trợ không bị lực lượng Hamas lợi dụng.
Sau khi phong tỏa được nới lỏng phần nào vào nửa cuối tháng 5, Israel thông báo cho phép 900 xe tải chở hàng viện trợ vào vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, chỉ khoảng 600 xe được dỡ hàng ở phía Gaza, trong số đó chỉ một phần nhỏ được phân phối thực tế đến tay người dân. Lý do chủ yếu do tình hình an ninh không bảo đảm, khiến công tác hậu cần gặp nhiều trở ngại.
Thời điểm này, các tuyến phân phối của LHQ vẫn bị siết chặt, còn GHF nhanh chóng trở thành điểm nhận viện trợ chủ yếu tại Gaza.
Các điểm phát lương thực của GHF thường không thông báo trước, dẫn đến việc hàng ngàn người dân đang cùng cực đói khát đổ xô tới, gây ra tình trạng hỗn loạn. Trong khi đó, tổ chức này được nhận xét đã không thiết lập được cơ chế kiểm soát, điều phối và đảm bảo an toàn cho những người tới nhận viện trợ.
“Hàng ngàn người đổ về các điểm phát thực phẩm của GHF trong tình trạng kiệt sức và tuyệt vọng. Họ bị dồn vào những khoảng không gian hẹp, với lượng viện trợ không đủ và hoàn toàn thiếu sự tổ chức” - ông Amjad Shawa, Giám đốc Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Palestine, lên tiếng đồng thời mô tả GHF là “một thảm họa về quản lý”.
"Bẫy chết người" tại các điểm cứu trợ
Từng được quảng bá là sáng kiến cứu sinh do Mỹ và Israel hậu thuẫn nhằm đưa lương thực đến tay dân thường ở Gaza, các điểm phân phát của GHF lại trở thành nỗi ám ảnh về bạo lực, hỗn loạn và chết chóc.
Thảm kịch gần nhất diễn ra ngày 16-7 tại thành phố Khan Younis, khi ít nhất 21 người Palestine thiệt mạng trong lúc xếp hàng nhận viện trợ gần một cổng phát lương thực của GHF.
Văn phòng Truyền thông Chính phủ (GMO) của Hamas cáo buộc GHF đã “dồn hàng ngàn người đói ăn vào các hành lang sắt chật hẹp, sau đó khóa cổng sắt lại”, gây ra thảm kịch.
Một trong những nạn nhân sống sót là Hani Hammad, 18 tuổi - con cả trong gia đình tám anh em bị dồn về vùng al-Mawasi sau khi nhà cửa ở Rafah bị tàn phá. Mỗi sáng, Hani đều mạo hiểm tính mạng để tìm bột mì về cho các em. Nhưng ngày 16-7, cậu suýt bỏ mạng.

Một phụ nữ ngồi bên những vật dụng nhặt nhạnh, lặng lẽ nhìn về khu lều trại đổ nát ở TP Khan Younis (miền nam Dải Gaza). Ảnh: AFP
“Chúng tôi rời trại từ lúc rạng sáng, đứng chen giữa hàng ngàn người. Khoảng 5 giờ sáng, lính Mỹ và Israel ra hiệu mở cổng. Mọi người ào lên” - Hani kể với Al Jazeera khi đang ở bệnh viện Nasser, nơi cậu nhập viện trong tình trạng bất tỉnh và suýt bị đặt nhầm vào khu tử thi.
Lối vào cổng viện trợ hôm đó chỉ rộng khoảng 7 m, rào sắt hai bên, tạo thành một hành lang hẹp. “Tôi bị cuốn vào dòng người. Bất ngờ, họ xịt hơi cay, ném lựu đạn khói, rồi đám đông bắt đầu giẫm đạp lên nhau. Tôi ngã xuống, bị giẫm lên mặt. Tôi tưởng mình chết rồi” - Hani kể lại.
Mohammed Abedin, 24 tuổi, cũng có mặt tại hiện trường nhưng kịp thời lùi lại khi thấy đám đông chen lấn. Tuy nhiên, anh vẫn bị trúng đạn từ một máy bay không người lái khi đang rời đi. “Lần đầu tiên tôi quay đầu bỏ chạy, nhưng vẫn không thoát” - Abedin nói.
Theo Abedin, các điểm phát của GHF thường có nhiều cổng vào. Nhưng hôm đó, người dân bị dồn qua một hành lang duy nhất. “Khi cổng mở, mọi người đổ dồn lên nhau. Trẻ em gào thét, người lớn ngạt thở, không ai có thể tiến hay lùi. Khói hơi cay phủ kín, trong khi UAV xả đạn từ trên cao. Đó không phải viện trợ. Đó như cái bẫy tử thần” - Abedin nói trong đau đớn và sợ hãi.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ lên tiếng rằng nhiều người “dường như bị trúng đạn” khi đến nhận viện trợ, mô tả các điểm phát của GHF là “vô tổ chức, nguy hiểm và thiếu tính nhân đạo”. Kể từ khi GHF vận hành, LHQ đã gọi những điểm cứu trợ này là “bẫy tử thần” và cáo buộc GHF vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực nhân đạo.
Thống kê của LHQ cho thấy ít nhất 875 người dân Gaza đã thiệt mạng từ cuối tháng 5 đến nay khi cố tiếp cận viện trợ, trong đó có đến 674 người chết gần các điểm của GHF.
Phía Israel thừa nhận “một số” thường dân đã thiệt mạng gần các điểm do GHF điều hành song phủ nhận trách nhiệm trực tiếp. Tel Aviv cáo buộc Hamas tích trữ hàng viện trợ, tấn công người dân Palestine tìm đến các điểm cứu trợ, thổi phồng số thương vong để đổ lỗi cho quân đội Israel.
Trong bối cảnh chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tranh cãi quanh vai trò và phương thức hoạt động của GHF tiếp tục đặt sinh mạng của người dân Gaza vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa đói ăn và hiểm họa mất mạng khi tìm cái ăn.
Quốc tế lên án, Mỹ và Israel bảo vệ GHF
Trước thảm cảnh lặp đi lặp lại tại các điểm viện trợ ở Gaza, hơn 130 tổ chức quốc tế như Oxfam, Amnesty International, Save the Children đồng loạt lên tiếng kêu gọi chấm dứt mô hình phân phát lương thực hiện nay.
Các tổ chức này cho rằng người dân đang bị dồn đến các khu vực “mang tính quân sự cao, nơi họ có thể bị bắn bất cứ lúc nào”, mô tả đây là “lựa chọn tàn nhẫn: hoặc chết đói, hoặc chết vì bị bắn”.
Nhiều tổ chức cáo buộc GHF cố tình đặt các điểm viện trợ tại phía nam và đông Gaza, gián tiếp thúc đẩy di dời dân khỏi miền bắc, khu vực đang bị Israel tấn công. Trong khi đó, mạng lưới của LHQ bị bóp nghẹt, còn các tổ chức phi chính phủ rút khỏi Gaza do lo ngại an toàn cho nhân sự.
Dù bị cộng đồng nhân đạo quốc tế chỉ trích nặng nề, GHF vẫn được Mỹ và Israel ủng hộ. Ngày 17-7, tại Hội đồng Bảo an, Đại biện lâm thời Mỹ Dorothy Shea tuyên bố mô hình GHF là “nỗ lực cứu sinh” và cáo buộc các chỉ trích nhằm vào tổ chức này “chỉ làm lợi cho Hamas”.
“Trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng hiện nay hoàn toàn thuộc về Hamas” - bà Shea nói.
Phía Israel phủ nhận trách nhiệm trong các vụ chết người, cáo buộc Hamas tích trữ hàng viện trợ và gây rối tại các điểm phân phát.