Xóa nhà tạm - Xây niềm tin nơi biên giới Quảng Trị
Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ giúp bà con có mái ấm vững chắc mà còn xây dựng niềm tin của đồng bào với Đảng, nhà nước luôn chăm lo đời sống nhân dân, phụng sự vì nhân dân.
Công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát đang ở giai đoạn nước rút, các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện, phấn đấu hoàn thành theo thời hạn Chính phủ giao. Những ngôi nhà kiên cố là ước mơ của hàng ngàn hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị. Đến nay ước mơ đó trở thành hiện thực, bà con được hỗ trợ xây dựng nhà mới, sửa sang nhà dột nát. Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ giúp bà con có mái ấm vững chắc mà còn xây dựng niềm tin của đồng bào với Đảng, nhà nước luôn chăm lo đời sống nhân dân, phụng sự vì nhân dân.

Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị mới (người mang áo xám đứng ở giữa) dự lễ khởi công xóa nhà tạm hỗ trợ người dân xã biên giới Trường Sơn
Những ngày giữa tháng 7, không khí lao động khẩn trương lan khắp các vùng quê tỉnh Quảng Trị mới. Hàng trăm ngôi nhà mới đang được gấp rút hoàn thiện, mang theo hy vọng về cuộc sống ổn định, giúp hộ nghèo, cận nghèo, người có công và đồng bào dân tộc thiểu số an cư.
Tại gia đình ông Đinh Xuân Lưu, ở thôn Bình Minh, xã Trung Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cũ, nay là xã Kim Hóa, tỉnh Quảng Trị mới, các đoàn viên thanh niên đã giúp ông Lưu hoàn thành việc sửa chữa ngôi nhà dột nát. Vợ chồng ông Lưu đã già yếu, thuộc hộ cận nghèo ở miền núi, không đủ sức khỏe và nguồn lực để sửa nhà. Bây giờ ngôi nhà được tu sửa, lợp mái ngói đỏ tươi, vợ chồng ông Lưu rất phấn khởi. Đoàn viên thanh niên đã xung kích, trách nhiệm không chỉ trong việc hỗ trợ gia đình ông mà đối với cộng đồng, chung tay hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Đinh Xuân Lưu cảm ơn các đoàn viên hỗ trợ gia đình di dời vật dụng, tháo dỡ vách tôn, vận chuyển vật liệu xây dựng,... góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công.
“Gia đình chúng tôi được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các cấp Đảng ủy, UBND xã quan tâm, thường xuyên đến thăm, khảo sát tình hình nhà cửa, tiến độ xây dựng và động viên mọi người. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chính Minh xã đã đến giúp, vừa làm vừa động viên gia đình. Chúng tôi rất cảm ơn các cấp các ngành giúp đỡ chúng tôi có được căn nhà ở kiên cố, mưa gió bão lụt chúng tôi không còn lo nữa”, ông Lưu nói.

Ngôi nhà của ông Đinh Xuân Lưu vừa được đoàn viên thanh niên hỗ trợ sửa chữa
Bà Hồ Thị Măng sống một mình trong căn nhà sàn cũ kỹ ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cũ, nay là xã Dân Hóa, tỉnh Quảng Trị mới. Mấy chục năm nay, cái nhà gỗ lợp tôn của bà xiêu vẹo theo gió núi, mùa mưa thì dột tứ phía, trời lạnh thì gió lùa từng cơn. Con cái đi làm ăn xa, cũng nghèo, không có điều kiện giúp. Nhiều năm, bà sống tằn tiện và chưa bao giờ dám mơ đến 1 căn nhà kiên cố. Mỗi lần mưa to gió lớn, căn nhà dột nước mưa chảy lênh láng, bà chỉ biết che tạm, chỉ mong căn nhà đủ sức chống chọi với những cơn gió giật, đừng đổ sập lúc nửa đêm.
Bây giờ, bà Măng là một trong hàng trăm trường hợp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây mới nhà, đây là điều mà suốt đời bà chưa từng dám nghĩ tới. Khi được cán bộ xã, bộ đội biên phòng và đoàn thanh niên đến thăm, nói sẽ hỗ trợ làm nhà, bà Măng sung sướng.
Bà Hồ Thị Măng xúc động, giờ đây có thể yên tâm sống những năm tháng cuối đời mà không còn nỗi lo mưa gió. Mái nhà không chỉ che nắng che mưa, mà còn sưởi ấm lòng bà bằng tình nghĩa của cộng đồng, của chính quyền và những người lính, người trẻ đầy nhiệt huyết nơi biên giới.
“Nhà cũ của tôi làm từ lâu rồi, nhà tạm bợ dột nát, bị hư hỏng nhiều. Bây giờ có đồn biên phòng, cấp huyện, cấp tỉnh về đây giúp đỡ làm nhà hỗ trợ gia đình tôi, tôi cảm ơn các cấp, các ngành đã giúp tôi xây dựng nhà”, bà Măng nói.

Bộ đội Biên phòng huy động ngày công giúp người dân nơi biên giới xây nhà mới
Từ những mái nhà kiên cố đang dần mọc lên giữa đại ngàn Trường Sơn, trong thung lũng, trong những bản làng từng dựng lên với mái tranh vách nứa, người dân cảm nhận rõ nét sự quan tâm Đảng, của Nhà nước. Sự quan tâm này không phải bằng những khẩu hiệu hô vang mà là bằng từng bao xi măng, viên gạch, tấm tôn được chở đến tận nơi, với bàn tay, tấm lòng, sự giúp sức của lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên xây nên những mái ấm.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nhận được sự đồng hành từ các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và người dân, đoàn viên thanh niên. Các cá nhân, đoàn thể đã ủng hộ hàng chục ngàn ngày công tình nguyện, hàng tỉ đồng, hàng trăm tấn vật tư để thi công hàng trăm căn nhà cho bà con ở vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đoàn viên thanh niên giúp người dân sửa chữa nhà
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã trở thành một “điểm sáng” của công tác giảm nghèo bền vững, không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân mà còn lan tỏa truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, thời điểm này, tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh để đảm bảo tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương; các địa phương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau khi sắp xếp để chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương, bảo đảm tính liên tục, không gián đoạn.
“Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa của chương trình để cuộc vận động cũng như huy động nguồn lực được tối đa từ các nguồn xã hội hóa, từ các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chúng ta tiếp tục kiên định với định hướng, quan điểm là hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng mà còn là lương tâm và trách nhiệm với nhân dân”, ông Quốc Tuấn chia sẻ.

Khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát giúp đồng bào biên giới
Chính từ nền móng những mái nhà không còn dột nát, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị mới đang kiến tạo nên nền móng bền vững hơn, đó là niềm tin, là khát vọng vươn lên thoát nghèo, là sự gắn bó giữa dân với Đảng, giữa bản làng với biên cương Tổ quốc. Không chỉ là mái nhà che mưa nắng, mỗi ngôi nhà được hoàn thành đã xây dựng trong lòng nhân dân nơi biên giới niềm tin, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (mới) cho biết, đến thời điểm này, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh đã ghi nhận những kết quả rất đáng phấn khởi, không chỉ khẳng định sự quyết tâm nỗ lực, đoàn kết của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc trong hành trình thắp sáng ước mơ an cư cho hàng ngàn gia đình.
“Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một chủ trương lớn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương và sự sẻ chia trong cộng đồng, là thước đo hiệu quả của chính quyền vì dân phục vụ. Đây là mệnh lệnh phát xuất từ trái tim, là sự cam kết chính trị và đạo lý đối với Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Ngọc Quang cho biết.