Xóa nhà tạm: Vượt qua đói nghèo bằng hạ tầng sống tối thiểu

Quyết định số 54 của Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát có ý nghĩa như một bước chuyển chính sách: từ hỗ trợ ngắn hạn sang can thiệp chiến lược, từ phúc lợi đơn lẻ sang nền tảng phát triển bền vững.

Cuộc tổng động viên kiến tạo sự đổi thay

Giữa mùa mưa vùng cao Tây Bắc, những ngôi nhà tạm chắp vá bằng bao xi măng, mái tôn hoen gỉ hay bạt nilon nhắc chúng ta nhớ một sự thật chưa được giải quyết rốt ráo: hàng vạn hộ nghèo trên khắp cả nước, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa, vẫn sống trong điều kiện nhà ở không đảm bảo an toàn và tối thiểu cho cuộc sống.

Trong bối cảnh đó, Quyết định số 54 ngày 9/5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát có ý nghĩa như một bước chuyển chính sách: từ hỗ trợ ngắn hạn sang can thiệp chiến lược, từ phúc lợi đơn lẻ sang nền tảng phát triển bền vững. Đó không chỉ là một chương trình mà là biểu hiện cụ thể của cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, đây cũng là hành động có tính chất phòng ngừa rủi ro đa tầng - giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh thiên tai cực đoan, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến nhóm dễ tổn thương.

Ước tính còn khoảng 155.000 hộ dân đang sống trong tình trạng nhà ở xuống cấp nghiêm trọng, trong đó hơn 68% thuộc khu vực DTTS và miền núi. Đây không chỉ là những con số khô cứng mà là chỉ dấu của những bất bình đẳng kéo dài, cần phải được giải quyết tận gốc. Ảnh: Báo Chính phủ

Ước tính còn khoảng 155.000 hộ dân đang sống trong tình trạng nhà ở xuống cấp nghiêm trọng, trong đó hơn 68% thuộc khu vực DTTS và miền núi. Đây không chỉ là những con số khô cứng mà là chỉ dấu của những bất bình đẳng kéo dài, cần phải được giải quyết tận gốc. Ảnh: Báo Chính phủ

Quyết định số 54 đề ra mục tiêu lớn: xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 trên phạm vi cả nước, với ưu tiên cao nhất dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Điểm nổi bật của quyết định là xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Trung ương - địa phương - các tổ chức chính trị - xã hội - doanh nghiệp - nhân dân. Tư duy triển khai đã thay đổi căn bản: không còn là cứu trợ khẩn cấp, mà là kiến tạo nền tảng sống, nơi mà nhà ở là trung tâm của sự đổi thay. Đây là biểu hiện rõ ràng của cách tiếp cận “quản trị phát triển” thay vì chỉ thực hiện chính sách hành chính - bao cấp như trước kia.

Dấu hiệu hữu hình của nghèo đa chiều

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, trên cả nước đã có hàng triệu hộ thuộc diện gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ vốn để cải thiện chỗ ở, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn, yên tâm lao động, sản xuất.

Riêng ở vùng DTTS và miền núi của cả nước hiện vẫn còn hơn 18 nghìn căn nhà ở cần được hỗ trợ. Do vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình) đã thiết kế Dự án 1 là Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, với mục tiêu: hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ xây dựng nhà ở đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Năm 2019, một cuộc điều tra 53 DTTS được thực hiện trên phạm vi 54 tỉnh, thành phố nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở và điều kiện kinh tế - xã hội của các hộ DTTS.

Kết quả cho thấy: 27% hộ nghèo DTTS chưa có nhà kiên cố; 39,5% nhà không có công trình vệ sinh đạt chuẩn; 34% hộ không đủ năng lực tài chính để tự cải thiện chỗ ở nếu không có hỗ trợ.

Nhà ở không chỉ là tài sản vật chất mà còn là không gian văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng, và yếu tố quyết định sức khỏe, giáo dục, sự tự tin của từng thành viên trong gia đình. Trẻ em sống trong nhà dột nát khó có thể học tốt. Người lớn trong những căn nhà xiêu vẹo khó có thể tập trung làm ăn, phát triển sinh kế. Sự thiếu thốn nơi trú ngụ chính là giới hạn hữu hình cho mọi nỗ lực vươn lên.

Ở góc nhìn nhân học - xã hội học, nhà tạm là biểu hiện rõ ràng nhất của sự bấp bênh cấu trúc, nơi người dân bị mắc kẹt giữa thiếu thốn vật chất và mất phương hướng xã hội. Vì vậy, xóa nhà tạm không chỉ là cải thiện vật lý, mà là khôi phục năng lực “tự trị sinh kế” của cộng đồng.

Xóa nghèo từ gốc phải bắt đầu từ hạ tầng sống

Nghèo đa chiều bao gồm thiếu hụt về thu nhập, giáo dục, y tế, tiếp cận thông tin, điều kiện sống… Trong đó, hạ tầng sống - mà nhà ở là yếu tố cốt lõi - chính là nền móng để người dân ổn định, lập kế hoạch tương lai.

Không thể nói đến sinh kế nếu người dân chưa có mái nhà lành lặn để che mưa nắng. Không thể giữ trẻ đến lớp đều đặn nếu buổi tối các em học dưới ánh đèn dầu trong những ngôi nhà bị dột. Không thể kêu gọi đầu tư vào nông thôn nếu cộng đồng dân cư sống tạm bợ. Quyết định 54 cần được nhìn nhận như một cấu phần quan trọng trong tổng thể chiến lược giảm nghèo đa chiều, thay vì đơn thuần là chương trình an sinh về nhà ở.

Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, các mô hình nhà ở kiên cố - thân thiện môi trường - tích hợp hạ tầng viễn thông, năng lượng tái tạo… cần được nghiên cứu và thử nghiệm, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn.

Tổng nhu cầu vốn để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước ước tính khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm khoảng 35-40%, phần còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa, đóng góp của địa phương, doanh nghiệp, kiều bào và người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức hiện hữu như: cơ sở dữ liệu về nhà ở chưa đầy đủ, đồng bộ, nguy cơ bỏ sót hoặc phân bổ không công bằng; dễ bị chồng lấn với các chương trình khác như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; năng lực thi công, giám sát ở cấp cơ sở còn hạn chế; tình trạng chạy theo chỉ tiêu dễ dẫn đến chất lượng nhà ở thấp, nhanh xuống cấp.

Để nâng cao hiệu quả công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau: thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu số thống nhất, cập nhật đến cấp thôn, bản; công khai tiêu chí, tiến độ, danh sách thụ hưởng, khuyến khích giám sát cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc, báo chí tham gia; xây dựng các mô hình hợp tác công - tư trong cải thiện nhà ở, khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo tham gia bằng vật liệu, kỹ thuật, tài trợ…

Đặc biệt, chúng ta cần chú trọng vai trò của phụ nữ và người DTTS trong quy trình thiết kế - giám sát - sử dụng nhà ở, nhằm bảo đảm sự phù hợp văn hóa và tính bền vững xã hội.

Khơi nguồn một đời sống mới từ căn nhà

Quyết định số 54 là minh chứng cho vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước. Không chỉ giải quyết vấn đề chỗ ở, đó còn là hành động chính trị - xã hội thiết thực khôi phục niềm tin của người dân vào chính sách, khơi dậy nội lực cộng đồng và tạo đà chuyển đổi cuộc sống từ gốc.

Từ một căn nhà, người dân có thể bắt đầu lập kế hoạch kinh tế, nuôi dưỡng ước mơ học hành cho con cái, cải thiện sức khỏe, tái thiết niềm tin. Từ một quyết định có thể mở ra chuyển động đồng bộ trong chính sách an sinh, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đó không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật, mà là sứ mệnh phát triển bao trùm và nhân văn: không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhìn xa hơn, nếu làm tốt, chương trình xóa nhà tạm có thể trở thành tiền đề cho chính sách nhà ở quốc gia dài hạn cho người nghèo, người yếu thế, gắn với quy hoạch nông thôn mới, đô thị hóa bền vững và chiến lược phát triển con người Việt Nam đến năm 2045.

Minh Dực

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xoa-nha-tam-vuot-qua-doi-ngheo-bang-ha-tang-song-toi-thieu-2414970.html
Zalo