Xin rồi chuyển nhượng CIC Tower, điệp khúc lặp lại

Sau khi rời trụ sở cũ, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng CDCC có vốn Nhà nước, được giao đất rộng 2.507 m2, tại số 2, ngõ 219 Trung Kính để xây trụ sở làm việc. Sau này, ngõ 219 đổi thành phố Nguyễn Thị Duệ và dự án của doanh nghiệp này cũng 'sang tên, đổi chủ' thành tòa nhà CIC Tower của Công ty Cổ phần đầu tư CIC.

Như trước đó Công lý & Xã hội đã thông tin, CIC Tower (số 1, Nguyễn Thị Duệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) hoạt động nhiều năm nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC); từng bị cơ quan chức năng xử phạt, đình chỉ hoạt động.

CIC Tower, ,số 1 Nguyễn Thị Duệ, trụ sở Công ty Cổ phần đầu tư CIC.

CIC Tower, ,số 1 Nguyễn Thị Duệ, trụ sở Công ty Cổ phần đầu tư CIC.

Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư CIC cho hay, trước đó bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính về hành vi xây dựng không phép, về PCCC, một số tầng tòa nhà chưa được nghiệm thu.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài vi phạm về PCCC, trật tự xây dựng, quá trình hình thành dự án còn "hé lộ" nhiều điều về việc liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước và tư nhân.

Xin dự án rồi chuyển nhượng?

Trở về thời điểm trước năm 2021, khi phố Nguyễn Thị Duệ được chính thức gắn biển tên, CIC Tower khi ấy có địa chỉ số 2, ngõ 219, phố Trung Kính, phường Yên Hòa, TP Hà Nội.

Phần đất này thuộc sự quản lý của Công ty Cổ phần Tư vấn, Đầu tư và Xây dựng CDCC (viết tắt: Công ty CDCC), một công ty có bề dày lịch sử trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, quy hoạch hạ tầng dự án, là thành viên của công ty xây dựng có vốn chủ sở hữu UBND Hà Nội.

Theo thông tin được công bố, sau khi rời trụ sở tại số 52 Lê Đại Hành, Công ty CDCC được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc, tại số 2, ngõ 219 Trung Kính. Đến năm 2018, UBND TP Hà Nội có quyết định giao đất cho công ty này thực hiện dự án. Tổng diện tích đất thực hiện dự án 2.507 m2, tại thửa đất số 45, tờ bản đồ số 1, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Nhưng có điều trái ngược, trước khi dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư và giao đất, năm 2011, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã cấp phép xây dựng dự án cho CDCC (!?).

Chấp thuận chủ trương, giao đất, cấp phép xây dựng đã có, thế nhưng nhiều năm ròng sau đó Công ty CDCC loay hoay tìm cách triển khai dự án, mọi phương án đưa ra đều bất khả thi.

Vào năm 2017, Đại hội đồng cổ đông của công ty này đã thông qua nghị quyết chọn hình thức “hợp tác đầu tư, lựa chọn đối tác và thực hiện hợp tác, chuyển đổi hoặc chuyển nhượng dự án”. Đây là giải pháp được CDCC đánh giá là hữu hiệu, cởi bỏ nút thắt thiếu vốn đang hiện hữu. “Gương mặt vàng” để hợp tác đầu tư không ai khác là cái tên Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú – CIC (sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư CIC).

Kể từ đại hội cổ đông năm 2018 của CDCC, số phận của dự án chính thức được ấn định. Đại hội năm này đã thông qua nghị quyết chấp thuận phương án: “Lựa chọn Công ty Cổ phần đầu tư CIC là đơn vị nhận chuyển nhượng dự án Trụ sở văn phòng làm việc của Công ty CDCC”. Đến nửa đầu tháng 8/2019, CDCC chính thức ký hợp đồng chuyển nhượng dự án cho Công ty CIC, sau khi có sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội.

Giá trị hợp đồng chuyển nhượng lúc đó trị giá hơn 95,3 tỷ đồng, đồng thời ký biên bản thanh lý hợp đồng tổng thầu EPC trị giá hơn 70,3 tỷ đồng, số tiền này CIC ứng trước để thi công xây dựng 9 tầng thô.

Tiếp sau đó 2 bên cùng thỏa thuận khi dự án đủ điều kiện pháp lý, CIC sẽ chuyển nhượng mặt sàn tầng 3 và 4 cho CDCC để kinh doanh, sử dụng.

Chuyển nhượng có đúng?

Trở lại với lịch sử hình thành của CDCC, theo giới thiệu, công ty thành lập từ những năm 1972, là đơn vị thành viên của một tổng công ty có vốn chủ sở hữu UBND TP Hà Nội. Tại báo cáo vốn năm 2020, CDCC có vốn điều lệ 11,163 tỷ đồng, tương đương hơn 1,1 triệu cổ phần, trong đó vốn sở hữu Nhà nước 221.820 cổ phần (19,87% vốn điều lệ), còn lại là các cổ đông cá nhân.

Với bề dày 52 năm xây dựng và phát triển từ doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước, sau khi rời trụ sở cũ, Công ty CDCC được giao vị trí đất vàng để xây dựng trụ sở làm việc. Tuy nhiên như đã nêu ở trên, dự án chậm tiến độ nhiều năm, chủ đầu tư “bất ngờ” liên doanh, liên kết với Công ty CIC để xây dựng, sau đó là chuyển nhượng toàn bộ dự án.

Theo thiết kế ban đầu, CIC Tower có 12 tầng, 2 tầng hầm, tuy nhiên dữ liệu của cơ quan chức năng mới đây cho thấy, tòa nhà CIC có diện tích xây dựng 1.250m2, chiều cao 39 mét, số tầng nổi là 12 tầng. Chủ đầu tư đã xây vượt 1 tầng so với quy hoạch được phê duyệt. Trong ảnh, CIC Tower vừa tiếp tục xây dựng thêm 3 tầng, hoàn thiện khoảng cuối tháng 6/2024.

Theo thiết kế ban đầu, CIC Tower có 12 tầng, 2 tầng hầm, tuy nhiên dữ liệu của cơ quan chức năng mới đây cho thấy, tòa nhà CIC có diện tích xây dựng 1.250m2, chiều cao 39 mét, số tầng nổi là 12 tầng. Chủ đầu tư đã xây vượt 1 tầng so với quy hoạch được phê duyệt. Trong ảnh, CIC Tower vừa tiếp tục xây dựng thêm 3 tầng, hoàn thiện khoảng cuối tháng 6/2024.

Để làm rõ thông tin về việc chuyển nhượng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại dự án CIC Tower, PV đã liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan hữu quan khác nhưng chưa nhận được phản hồi.

Qua hoạt động thực tiễn, cuối năm 2023, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI đã từng chỉ ra nhiều lỗ hổng trong việc quản lý, sử dụng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước.

Một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chuyển nhượng đất thuê của Nhà nước dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp. Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân liên quan trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Nguyên nhân của thực trạng này, là do pháp luật đất đai chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời việc quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể.

Ngoài ra, việc thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách khi chuyển quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân thông qua cổ phần hóa. Sau đó, họ chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải đấu giá trong điều kiện nguồn đất đai có hạn, nhu cầu sử dụng ngày càng cao, nhất là tại đô thị với các khu đất có giá trị sinh lời cao...

Công lý & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin!

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/xin-roi-chuyen-nhuong-cic-tower-diep-khuc-lap-lai-438842.html
Zalo