Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: VKSND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên quan điểm

Ngày 25-11, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 bị cáo

Những bị cáo này được xét xử trong vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các tổ chức liên quan.

Trình bày phản biện đối với các luận điểm bào chữa mà các luật sư bảo vệ cho các bị cáo đã đưa ra, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên quan điểm về đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo Lan, bao gồm 16-18 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và tử hình về tội "Tham ô tài sản"; tổng hợp hình phạt bị đề nghị là tử hình.

Theo VKS, với vai trò cổ đông lớn nắm 91,5% cổ phần và quyền lực cao nhất tại SCB, bị cáo Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ vay vốn, rút tiền từ SCB để phục vụ mục đích cá nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. Trong 1.284 khoản vay được xác minh, nhóm của bị cáo chiếm tới 93% tổng nợ gốc và phần lớn thuộc nợ nhóm 5 (không có khả năng thu hồi). Mặc dù luật sư biện hộ rằng hành vi của bị cáo chỉ là "đảo nợ" nhưng VKS lập luận số tiền này đã được sử dụng cho các mục đích cá nhân như mua dự án, chi tiêu riêng và thực tế đã rời khỏi sự kiểm soát của SCB. Điều tra cũng xác định rằng 84% trong 1.169 tài sản bị kê biên được mua sau năm 2012, trùng khớp với thời gian xảy ra hành vi phạm tội. VKS kết luận hành vi phạm tội của bị cáo Lan mang tính chất nghiêm trọng, xuyên suốt, gây tổn thất lớn không chỉ cho SCB mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính quốc gia. Do đó, mức án tử hình là cần thiết để phản ánh đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của vụ án.

Đại diện VKS cũng cho biết cơ quan này ghi nhận thái độ hợp tác và nỗ lực khắc phục hậu quả của bị cáo Lan. Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh: "Con số thiệt hại trong vụ án là vô cùng lớn, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tư pháp". Theo VKS, quy định tại điểm c khoản 3 điều 40 Bộ Luật Hình sự, Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng hướng dẫn rằng trường hợp người phạm tội hoặc gia đình nộp lại tối thiểu 3/4 tài sản tham ô, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét giảm án. Trong giai đoạn thi hành án, nếu bị cáo hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc khắc phục hậu quả, bị cáo có thể nộp đơn đề nghị Chủ tịch nước xem xét giảm án.

Trần Thái

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xet-xu-phuc-tham-vu-an-van-thinh-phat-giai-doan-1-vksnd-cap-cao-tai-tp-hcm-giu-nguyen-quan-diem-196241125205323243.htm
Zalo