Xem xét không giao chủ đầu tư cho đơn vị nhiều năm giải ngân thấp

Tỉnh Quảng Bình sẽ nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư có tỉ lệ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Chỉ còn 1 tháng để tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong khi đó, còn nhiều dự án đang gặp vướng mắc, UBND tỉnh Quảng Bình đã thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân và hạn chế, đưa ra các giải pháp thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Bình, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhưng tỉ lệ giải ngân toàn tỉnh chưa đạt mục tiêu và kế hoạch đề ra.

Tính đến 30/11, tỉ lệ giải ngân toàn tỉnh đạt 50,3% kế hoạch tỉnh triển khai, trong đó vốn ngân sách Trung ương đạt 58%, vốn ngân sách tỉnh đạt 45%. Tính theo kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, giải ngân đạt 57,5%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (54,8%).

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, nguyên nhân tỉ lệ giải ngân đạt chưa cao do trong quá trình triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Dự án cầu Nhật Lệ 3 thi công đảm bảo tiến độ.

Dự án cầu Nhật Lệ 3 thi công đảm bảo tiến độ.

Theo đó, một số chủ đầu tư chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

"Qua kiểm tra, giám sát các dự án có tỉ lệ giải ngân thấp, UBND tỉnh thấy rằng các chủ đầu tư chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt, chưa theo sát công trình, còn phụ thuộc phần lớn và hầu như giao hẳn cho đơn vị quản lý dự án. Vì vậy, không nắm rõ được tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.

Trong khi đó, đơn vị quản lý dự án thực hiện nhiều dự án hoặc trách nhiệm không cao, dó đó chậm trễ trong thực hiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán, dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân chậm", Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Xuân Đạt cho biết.

Hơn nữa, vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư dự án (đặc biệt là các chủ đầu tư có kế hoạch vốn không lớn) mặc dù đã có khối lượng nhưng không thực hiện nghiệm thu thanh toán, chờ đến thời điểm cuối của năm nghiệm thu thanh toán một lần dẫn đến tỉ lệ giải ngân các tháng trong năm đạt thấp.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng (GPMB) còn nhiều vướng mắc; Luật Đất đai mới còn một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn trong đền bù, GPMB, dự án không triển khai được, triển khai chậm, không liên tục làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân...

Trách nhiệm trực tiếp từ các chủ đầu tư

Để phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần chú trọng và ưu tiên giải ngân trước các dự án chỉ được giải ngân đến 31/12, như: nguồn vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024, nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023, nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sau đó mới giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

Một dự án chậm tiến độ do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng.

Một dự án chậm tiến độ do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng.

Các chủ đầu tư phải xác định công tác giải ngân đầu tiên và trực tiếp thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

Vì vậy, các chủ đầu tư phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Có kế hoạch chi tiết cho từng công trình từ nay đến hết ngày 31/12/2024 và 31/1/2025, đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là đối với các dự án dự kiến hoàn thành năm 2024 và các dự án chỉ được phép giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.

"Tỉnh cũng sẽ nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư có tỉ lệ thực hiện và giải ngân vốn thấp; xem xét không giao chủ đầu tư cho các đơn vị nhiều năm có tỉ lệ giải ngân thấp", ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Các chủ đầu tư phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, chấn chỉnh các đơn vị liên quan đặc biệt là đơn vị tư vấn quản lý dự án để giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục, hoàn thành nghiệm thu thanh toán, đảm bảo chất lượng và hiệu quả công trình.

Các sở, ngành, đơn vị liên quan đến thủ tục hành chính tiếp tục rút ngắn 30% thời gian thực hiện các thủ tục theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chậm ở khâu nào, thủ tục nào, người đứng đầu sở, ngành, đơn vị, địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Ngô Thị Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xem-xet-khong-giao-chu-dau-tu-cho-don-vi-nhieu-nam-giai-ngan-thap-204241211164440464.htm
Zalo