Xe điện lăn bánh, hệ sinh thái 'ăn theo'

Khi thị trường xe điện Việt Nam có sự nhập cuộc mạnh mẽ của các thương hiệu nội địa lẫn quốc tế, thì cuộc đua của các dịch vụ, mặt hàng 'ăn theo' cũng đang diễn ra sôi động tại Hà Nội.

Chị Thu Phương (bìa phải) chọn mua xe máy điện cho con đi học tại một cửa hàng ở Xã Đàn (Hà Nội)

Chị Thu Phương (bìa phải) chọn mua xe máy điện cho con đi học tại một cửa hàng ở Xã Đàn (Hà Nội)

Thị trường xe điện sẽ sôi động

Tại Hà Nội, trạm sạc ô tô điện, xe máy điện xuất hiện nhiều trong các khu đô thị mới như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City… Các tòa nhà văn phòng như FPT Tower (Duy Tân), Gelex Tower (Lê Đại Hành) cũng đã bắt đầu bố trí khu vực sạc xe máy điện tại tầng hầm, đáp ứng nhu cầu của nhân viên sử dụng phương tiện xanh đi làm. Chị Thu Phương (37 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, với ưu điểm xanh - gọn - nhẹ, giá cả hợp lý, dễ dàng sử dụng, xe máy điện ngày càng mở rộng đối tượng người dùng, đặc biệt là sinh viên, học sinh từ cấp 2 và những người cao tuổi.

Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ Việt Thanh (xe điện Việt Thanh) cho biết, các hãng xe điện tại Việt Nam hiện chủ yếu là các dòng sản phẩm sử dụng bình ắc quy hoặc pin xe điện. Vậy nên hạ tầng trạm sạc công cộng, công suất đáp ứng và an toàn phòng cháy chữa cháy là bài toán mà Hà Nội cần phải tính đến. “Trung bình mỗi năm doanh số bán xe điện của tập đoàn tăng trưởng 20%-30%. Trong bối cảnh Hà Nội tiến tới cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 và ngày càng mở rộng ở các Vành đai khác, thì thị trường xe điện sẽ sôi động hơn nữa”, đại diện Tập đoàn xe điện Việt Thanh chia sẻ thêm.

 Với thiết kế trạm sạc điện cạnh trung tâm thương mại và quán cà phê, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ trong lúc chờ sạc xe

Với thiết kế trạm sạc điện cạnh trung tâm thương mại và quán cà phê, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ trong lúc chờ sạc xe

Ghi nhận cho thấy, hiện nhiều người dân lo ngại chi phí chuyển đổi phương tiện có thể làm tăng gánh nặng tài chính, đặc biệt là nguy cơ hóa đơn tiền điện có thể tăng vọt. TS Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực (Bộ Công thương), phân tích, hiện nay chúng ta đang có những giờ cao điểm và thấp điểm sử dụng điện. Vì vậy, chúng ta có thể tận dụng các khung giờ tiêu thụ điện thấp để sạc xe, vừa tận dụng được mức giá rẻ (do chi phí sản xuất thấp), vừa giúp tích trữ điện, qua đó có thể tối ưu được nguồn năng lượng và phụ tải hệ thống. Tuy nhiên, nếu xu thế chuyển sang xe điện ngày càng mở rộng thì sẽ tạo ra gánh nặng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ngành điện, đó là phải sản xuất điện nhiều hơn. Song điều này theo ông là không đáng ngại, vì Chính phủ đã có lộ trình chuẩn bị. Việc đưa điện hạt nhân vào quy hoạch năng lượng quốc gia sẽ là giải pháp đảm bảo nguồn cung ổn định cho sự phát triển của xe điện và các phương tiện điện hóa.

Nhiều dịch vụ “ăn theo”

Xu hướng xe điện phát triển kéo theo sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Theo đó, dịch vụ đặt xe điện phục vụ di chuyển ngày càng hút khách. Đặc biệt, người dùng xe điện chú trọng đến điểm dừng - sạc - nghỉ. Hiện nhiều quán cà phê, nhà hàng và trạm dừng nghỉ đã liên kết với Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN (thuộc Vinfast) để xây dựng mô hình nhượng quyền tích hợp sạc nhanh và cung cấp dịch vụ đồ ăn thức uống.

Cùng với trạm sạc, thị trường phụ kiện cho xe máy điện cũng đang “vào mùa”. Các mặt hàng như cáp sạc di động, hộp pin dự phòng, giá treo sạc… được các nhà phân phối xe và sàn thương mại điện tử quảng bá rầm rộ. Nhiều startup công nghệ nhanh chóng phát triển ứng dụng như PlugShare, ChargeMap hay Evgo giúp người dùng tìm trạm sạc gần nhất, quản lý mức pin, dự báo thời gian sạc. Các giải pháp số hóa này không chỉ tăng trải nghiệm người dùng mà còn mở ra thị trường ứng dụng điện thoại với nhu cầu mới, góp phần làm giàu thêm hệ sinh thái phương tiện xanh. Một số hãng bảo hiểm lớn như PVI, MIC cũng bắt nhịp, tung ra gói bảo hiểm chuyên biệt cho xe điện. Đây là một mảnh ghép quan trọng trong hành trình chuẩn hóa hệ sinh thái phục vụ phương tiện xanh.

Dù xe điện là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng để thành công trong hệ sinh thái “ăn theo”, các nhà đầu tư cần phải bám sát hạ tầng, chính sách, hành vi tiêu dùng mới, chọn đúng ngách phù hợp với năng lực và có chiến lược dài hạn cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

HÀ NGUYỄN - VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xe-dien-lan-banh-he-sinh-thai-an-theo-post804406.html
Zalo