Xây dựng xã An Phú thành phường
Nhiệm kỳ mới đang mở ra, hứa hẹn mang đến bước tiến mạnh mẽ cho An Phú. Với phương châm hành động 'Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển', Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Phú quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành phường vào cuối nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Phát triển toàn diện
Năm 2025, tổng giá trị sản phẩm các ngành kinh tế trên địa bàn ước đạt 3.948 tỷ đồng, tăng 961 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, nông nghiệp đạt 2.192 tỷ đồng. Việc sở hữu đội tàu khai thác hải sản trên biển lên đến 1.082 chiếc, với tổng sản lượng đánh bắt hải sản ước đạt khoảng 68,2 nghìn tấn/năm, không chỉ giúp xã An Phú giải quyết việc làm cho 6.338 lao động, mà còn đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, giúp tổng giá trị sản phẩm trong nông nghiệp của địa phương đạt con số nghìn tỷ.

Một góc xã An Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
Xã An Phú được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 đơn vị hành chính cấp xã của TP.Quảng Ngãi (cũ), gồm: Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng, Nghĩa Hà, An Phú. Xã An Phú là địa phương vừa giáp biển, vừa có quỹ đất dồi dào, lại sở hữu nhiều công trình mang tính động lực như: Cầu Cổ Lũy, Khu neo đậu trú bão tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy (giai đoạn 1), đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh... Việc sắp xếp đã tạo nên một chỉnh thể có vị trí chiến lược quan trọng, mở ra cơ hội lớn để An Phú phát huy tổng hợp các nguồn lực, tiềm năng và thế mạnh, từng bước xây dựng địa phương phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Năm 2025, tổng giá trị sản phẩm các ngành kinh tế trên địa bàn ước đạt 3.948 tỷ đồng, tăng 961 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, nông nghiệp đạt 2.192 tỷ đồng. Việc sở hữu đội tàu khai thác hải sản trên biển lên đến 1.082 chiếc, với tổng sản lượng đánh bắt hải sản ước đạt khoảng 68,2 nghìn tấn/năm, không chỉ giúp xã An Phú giải quyết việc làm cho 6.338 lao động, mà còn đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, giúp tổng giá trị sản phẩm trong nông nghiệp của địa phương đạt con số nghìn tỷ.
Trong 5 năm qua, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã phát triển, hoạt động tương đối ổn định. Toàn xã hiện có 550 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, 3.840 cơ sở kinh doanh, thu hút gần 11 nghìn lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương cũng đã hình thành các vùng chuyên canh hoa, mở rộng diện tích nhà lưới sản xuất rau an toàn và nổi bật là hình thành cánh đồng hoa diện tích 4.000m2 phục vụ tham quan, trải nghiệm.
Trong 2 ngày (25 - 26/7), Đảng bộ xã An Phú tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đại hội xác định 17 chỉ tiêu chủ yếu: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn bình quân hằng năm đạt từ 7 - 8%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 ước đạt từ 80 - 90 triệu đồng/người/năm; đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36,4%; đến năm 2030, tỷ lệ đất cây xanh công cộng trong đô thị đạt 4,11m2/người...
Xác định hạ tầng là nền tảng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương, An Phú tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn hơn 185,2 tỷ đồng. Các công trình, dự án cơ bản được triển khai theo kế hoạch, đã góp phần làm cho diện mạo của xã ngày càng khang trang hơn. Địa phương đã thực hiện nâng cấp, làm mới nhiều cây cầu, tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 58km; kiên cố hóa các tuyến kênh mương, với tổng chiều dài hơn 10km; thực hiện 88 tuyến điện chiếu sáng công cộng; tỷ lệ đất cây xanh công cộng trong đô thị đạt 3,38m2/người.
Quan tâm, chăm lo đến đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, địa phương đã hỗ trợ người dân xóa 32 nhà tạm, nhà dột nát theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, địa phương cũng đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tặng học bổng cho học sinh xuất sắc, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn được triển khai sâu rộng, đạt nhiều kết quả rõ nét, với hơn 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa, 100% thôn, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Chất lượng giáo dục được chú trọng, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được quan tâm. Đến nay, toàn xã có 100% trường THCS, tiểu học và mầm non giữ vững đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển đô thị
Bước vào nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đảng bộ xã An Phú xác định phương châm phát triển toàn diện, bền vững. Trong đó, xác định 2 nhiệm vụ đột phá: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lãnh đạo, quản lý, điều hành để phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng để đảm bảo đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn trở thành phường. Cùng với đó là 3 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền. Thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tập trung phát triển du lịch nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã An Phú hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Ý THU
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, địa phương xác định tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng thương mại - dịch vụ, ổn định và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư các điểm du lịch ven sông và biển Tân An; hình thành các sản phẩm du lịch trên sông Trà Khúc như: Trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp sạch, trải nghiệm khai thác cá bống, don. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ như: Homestay, nhà hàng ven sông, ven biển...
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế địa phương phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của xã An Phú đạt 5,74%. Năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 21,78%; thương mại - dịch vụ chiếm 22,95%; nông, lâm, thủy sản 55,27%.
Song song đó, xã tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và hướng đến trở thành phường. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị dọc đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đường Trường Sa, các trục đường chính và khu vực ven biển. Đầu tư xây dựng, cắm mốc giới di tích lịch sử Công viên núi đá Phú Thọ gắn với phát triển du lịch; phối hợp đầu tư Khu liên hợp thể dục, thể thao tỉnh trên địa bàn xã và các dự án hạ tầng xã hội khác. Chú trọng kêu gọi xã hội hóa điện chiếu sáng nghệ thuật để đến năm 2030, cầu Hưng Nhơn, cầu An Phú, trục đường Trường Sa và các trục đường chính của xã được lắp đặt điện chiếu sáng nghệ thuật.
Bí thư Đảng ủy xã An Phú Võ Thành Vĩnh cho biết, nhiệm kỳ mới mang tính lịch sử với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương sau sắp xếp. Không gian mở rộng sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để phát triển bền vững và toàn diện trong thời gian tới. Phát huy thành quả trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Phú tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng xây dựng, phát triển địa phương trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung huy động tối đa các nguồn lực, tranh thủ nắm bắt thời cơ, thuận lợi để xây dựng, phát triển xã An Phú trở thành phường, như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đề ra.